Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng vẫn chiếm cao nhất, với 85,7% tổng số ca mắc Covid-19 đang điều trị, số còn lại ở mức trung bình, chiếm 8,3% và số ca bệnh nặng là 6% (tương đương 7.464 trường hợp). Phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy,người trên 65 tuổi chiếm 47,67%, người từ 50-65 tuổi chiếm 36,58%; người từ 18-49 là 15,34% và nhóm từ 0-17 tuổi là 0,42%. Con số nêu trên cho thấy, tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%, vì vậy, việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này là rất cần thiết.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, để công tác điều trị Covid-19 tốt hơn, cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm ô-xy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực. Các đơn vị thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” ngay từ trạm y tế, tổ Covid cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị...
Cùng ngày, Bộ Y tế có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19. Theo đó, ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau: Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi-rút (PCR). Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Là người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19. Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính hai lần liên tiếp (xét nghiệm lần hai trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần một với vi-rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ).
Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0. Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE)… Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ hai ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ hai ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30…
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Bệnh viện trực thuộc bộ, sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành về việc xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện. Theo đó, phát hiện người mắc Covid-19 như sau: Trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Trường hợp bệnh nghi ngờ, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính. Những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có hai kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính (xét nghiệm lần hai trong vòng tám giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần một và hình thức test nhanh). Trong trường hợp chỉ có một kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính, thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Về đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, Bộ Y tế nêu rõ, đối với người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi: Thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày; kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện; trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh… Người bệnh Covid-19 đơn thuần điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị được xác định khỏi bệnh và cho ra viện khi: Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi-rút thấp (CT ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Người bệnh Covid-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo, ngoài các quy định như người bệnh Covid-19 đơn thuần, sẽ được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu có) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị.
Liên quan đến bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến thể Omicron, GS,TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tình trạng sức khỏe ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và không có biểu hiện lây lan ra cộng đồng. Chẩn đoán mắc Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn khi phát hiện các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính cần nhanh chóng cách ly, điều trị, điều tra, khoanh vùng, truy vết, xử lý dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế... Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, tổng đài 1022 về việc tư vấn, hướng dẫn người mắc Covid-19 để người dân liên hệ và được cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời.