Bị kiện đòi bồi thường nghìn tỷ, bà Phương Hằng liệu sẽ mất bao nhiêu?
Có thể bị truy cứu hình sự tội làm nhục người khác
Ngày 1/6, TAND quận 1, TP HCM cho biết, tòa vừa thụ lý vụ "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây) và bị đơn Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam).
Theo đơn khởi kiện, ngày 14/5, trong buổi livestream trên trang cá nhân và các fanpage, bà Hằng (vợ ông Dũng "lò vôi") đã nói chuyện với chủ đề "công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh (chùa Phước Sơn)".
Theo bà Giàu, bà Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của bà khi bịa đặt, vu khống bà "ép bức sư Bửu Chánh - trụ trì chùa Phước Sơn trả lại tiền và xe cho bà Hằng", "thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý", "bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo", “hung dữ, mua tượng phật và hoa không trả tiền"...
Ngoài ra, bà Giàu còn tố bà Hằng đã xúc phạm uy tín thương hiệu Mì lá bồ đề, dầu Nhị thiên đường do bà Giàu làm chủ, đang hoạt động là thương hiệu đểu, chứng nhận giả.
Bà Giàu yêu cầu TAND quận 1 buộc bà Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của bà; gỡ bài nói về bà; công khai xin lỗi và cải chính trên mạng Youtube và yêu cầu tòa án buộc bà Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, ở sự việc này có hai yếu tố cần quan tâm đó là việc bà Giàu tố bà Hằng xúc phạm danh dự, thứ hai là tố bà Hằng đã xúc phạm uy tín thương hiệu do bà Giàu làm chủ.
"Bà Giàu có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi của bà Hằng là đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của mình. Trong trường hợp bà Giàu không thể thu thập được chứng cứ tài liệu thì có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định pháp luật", luật sư Bình nói.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo Hiến pháp và Bộ luật Dân sự quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó, hành vi chửi bới, xúc phạm người khác thông qua livestream trên mạng xã hội có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Luật sư Bình cho hay, nếu người livestream xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì tùy vào mức độ của hành vi mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác".
"Cụ thể, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự thì tùy vào mức độ vi phạm, trường hợp này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, thậm chí có thể bị phạt tù lên đến 5 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm", luật sư Bình nói.
Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu
Với nội dung bà Giàu tố bà Hằng "đã xúc phạm uy tín thương hiệu" thì bà Giàu cần chứng minh mức độ thiệt hại và chứng minh những hành vi thiệt hại này là do bà Hằng vu khống thương hiệu bà Giàu đang sở hữu.
"Điều 156 Bộ luật Hình sự quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm", luật sư Bình nói.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo điều 611 Bộ luật Dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế mà người bị vu khống bị mất hoặc giảm sút; ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
"Về nội dung bà Giàu yêu cầu bà Hằng đền bù 1.000 tỷ đồng thì cần phải được xem xét. Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ thiệt hại (nếu có) thông qua những bằng chứng từ đó quyết định mức đền bù bà Giàu được hưởng là bao nhiêu", luật sư Bình nói.
Thời gian gần đây, bà Nguyễn Phương Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam thường xuyên xuất hiện, tổ chức livestream trên mạng xã hội và đã có nhiều phát ngôn được cho là xúc phạm danh dự nhân phẩm... của một số người khác, gây phản cảm cho người xem.
Chiều 1/6, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, Sở đã có buổi làm việc với đại diện theo ủy quyền của doanh nhân Nguyễn Phương Hằng.
Phía bà Hằng cũng cam kết sẽ rút kinh nghiệm trong văn bản giải trình. Đại diện của bà Hằng hứa sẽ rút kinh nghiệm, cẩn trọng trong phát ngôn, không dùng những từ ngữ làm ảnh hưởng đến người khác...
Hiện phía Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đang tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo thành phố về các bước xử lý tiếp theo.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Thời sự xã hội - 18/10/2024
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa
Thời sự xã hội - 17/10/2024
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa