Bộ trưởng Y tế nói lý do dịch Covid-19 lan nhanh tại Việt Nam
Đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay đã ghi nhận 562 ca mắc trong nước tại 26 tỉnh, thành phố. Điểm đáng chú ý của đợt dịch lần này là diễn biến phức tạp hơn hẳn với 3 lý do.
Thứ nhất, xuất hiện cùng lúc nhiều ổ dịch tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Ninh và nhiều địa phương khác.
Thứ hai, có nhiều nguồn lây nhiễm, từ chuyên gia nhập cảnh do cách ly chưa nghiêm và trong chính cộng đồng có ca nhiễm, sau đó lây vào bệnh viện rồi từ bệnh viện lây ngược lại cộng đồng.
Thứ ba, chủng virus lây nhiễm lần này khác các làn sóng trước. Các ổ dịch lớn hiện tại hầu hết đều nhiễm biến chủng Ấn Độ với đột biến kép, tăng khả năng lây nhiễm nhanh gấp nhiều lần.
“Trước đây chủng của Anh lây nhanh gấp 1,7 lần so với chủng cũ thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng Anh, đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải rất khẩn trương”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát
Theo ông Long, từ khi có dịch Covid-19, Bộ Y tế luôn đặt trong tình trạng báo động rất cao, liên tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai nhiều biện pháp chống dịch, trong đó luôn nhất quán quan điểm huy động toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân cùng tham gia chống dịch.
Triển khai tất cả các biện pháp theo nguyên tắc phát hiện, ngăn chặn, cách ly, dập dịch hiệu quả kết hợp các giải pháp về xét nghiệm, điều trị.
“Tại thời điểm hiện nay, chúng ta đã chuyển trạng thái từ chủ động sang chủ động tấn công, tức là trước đây chúng ta tập trung vào truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, có khả năng lây nhiễm, lần này chúng ta triển khai trên diện rộng bằng tầm soát xét nghiệm, đặc biệt nhóm nguy cơ cao”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Việt Nam chủ động xây dựng các kịch bản, lên phương án về điều trị, rà soát cơ sở vật chất, con người để đảm bảo không bị động trong mọi tình huống.
Với sự xuất hiện của biến chủng kép, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày thay vì 14 ngày như trước và tăng số lần xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh chưa có ca lây nhiễm cộng đồng phải nâng báo động thêm một mức, phải coi như địa phương đã có dịch để triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Sau khi xuất hiện ổ dịch tại các bệnh viện, tất cả cơ sở cơ sở y tế được yêu cầu triển khai biện pháp chống dịch hơn một mức, phải xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, tăng cường xét nghiệm một số khu vực có nguy cơ cao như khoa hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo.
“Chỉ cho chuyển tuyến đối với các bệnh nhân khi có kết quả âm tính. Khi chuyển tuyến phải có báo cáo về chính quyền địa phương nơi đón tiếp bệnh nhân để giám sát tại nhà để khi có tình huống xảy ra, chúng ta kịp thời khoanh vùng cách ly ngay”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng đánh giá các địa phương đang rất tự tin trong kiểm soát dịch bệnh, những ca mắc mới gần đây chủ yếu phát hiện trong các khu cách ly, khu vực giãn cách, phong tỏa.
“Vì vậy khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng với các địa phương đang trong tầm kiểm soát”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thúy Hạnh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh