Bộ Y tế huy động tổng lực cho chiến dịch tiêm 100 triệu liều vắc xin Covid-19
Lãnh đạo Bộ Y tế vừa có cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với hơn 100 triệu liều.
Bộ Y tế đang khẩn trương chuẩn bị các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo độ bao phủ, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ huy động tổng lực toàn ngành, tất cả cơ sở y tế công lập, lực lượng sinh viên các trường y cùng tham gia, tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.
Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng, quy trình tổ chức điểm tiêm, buổi tiêm, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vắc xin…
Về vấn đề bảo quản vắc xin, Bộ Y tế đánh giá, hệ thống kho lạnh, các thiết bị vận chuyển vắc xin tại các khu vực, địa phương vẫn đảm bảo yêu cầu.
Thảo luận về đánh giá sau tiêm, Bộ Y tế cho biết, bất cứ vắc xin nào cũng không thể đảm bảo an toàn 100%, nhất là vắc xin phòng Covid-19 mới được nghiên cứu, phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi, đánh giá phản ứng sau tiêm cần hết sức chặt chẽ.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá sau tiêm, thời gian tới sẽ thông tin rõ để người dân không hoang mang với những phản ứng sau tiêm.
Bộ trưởng Y tế cho biết, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021. Đến nay, Việt Nam đã có chắc chắn 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó có 30 triệu liều từ chương trình COVAX, 30 triệu liều còn lại do Việt Nam đặt mua.
Sáng 24/2, hơn 117.000 liều AstraZeneca đầu tiên do Việt Nam đặt mua đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay đầu tháng 3, Việt Nam sẽ triển khai tiêm chủng lô vắc xin này, ưu tiên cao nhất cho lực lượng y tế chống dịch.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với Pfizer của Mỹ, khả năng trong năm nay sẽ có thêm 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vắc xin này.
Chiều 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng có cuộc họp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam liên quan đến quá trình cấp phép, đối tượng tiêm, truyền thông tim chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được tiếp cận với nguồn vắc xin viện trợ của COVAX. Bộ trưởng cam kết Bộ sẽ giải quyết ngay các vấn đề liên quan tới thủ tục để đảm bảo vắc xin của COVAX sớm được nhập vào Việt Nam.
Về đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Đại diện các tổ chức quốc tế đồng ý với những trao đổi về việc một số vắc xin bảo quản trong điều kiện khó khăn, phải huy động nguồn lực xã hội hóa như vắc xin của Pfizer.
Vắc xin của Pfizer yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông, do vậy nếu không tiêm kịp sẽ rất lãng phí. Thực tế tại Mỹ, tỷ lệ vắc xin này phải bỏ khá cao.
Thúy Hạnh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết
Thời sự xã hội - 21/01/2025
Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao