Chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt hơn
Để làm được điều đó thì ngay từ bây giờ, các địa phương cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp chống dịch.
Đến nay dịch Covid-19 với biến chủng Delta đã xuất hiện ở hơn 130 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều địa phương và tiếp tục diễn biến khó lường. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm ngày qua, số ca mắc Covid-19 duy trì ở mức cao, từ hơn 8.000 đến hơn 9.000 ca/ngày và đến chiều 13/8 đã vượt ngưỡng 250 nghìn ca.
Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, khả năng tác động, bùng phát của dịch có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua. Qua diễn biến tình hình và thực tế công tác chống dịch, người đứng đầu ngành y tế rút ra sáu bài học kinh nghiệm về: công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm; kiên định các giải pháp chuyên môn kỹ thuật, đồng thời chủ động, linh hoạt các giải pháp; chuẩn bị công tác hậu cần theo phương châm “bốn tại chỗ”, thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ các nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh truyền thông vừa cổ vũ tinh thần chống dịch, vừa không gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 hiện còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vắc-xin hạn chế và trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Chính vì vậy, để đạt mục tiêu kiểm soát được dịch vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 và chậm nhất là ngày 15/9 cần triển khai các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Tại cuộc họp Chính phủ ngày 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ phòng, chống dịch.
Về phía Bộ Y tế cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung, ưu tiên hàng đầu việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Theo đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư; huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc… Các địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách, cách ly xã hội, “vắc-xin + 5K” và “chiến lược vắc-xin” phù hợp với tình hình thực tế.
Những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”. Mặt khác, triển khai thần tốc việc xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và phân loại các trường hợp nhiễm trong cộng đồng để thu dung, điều trị; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cũng như tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước.
Bên cạnh công tác dự phòng, thì vấn đề điều trị cần được coi là ưu tiên trọng tâm trong giai đoạn hiện nay để giảm đến mức thấp nhất trường hợp tử vong. Theo đó, từng địa phương cần chuẩn bị các phương án tối ưu nhất có thể cho điều trị; bảo đảm đầy đủ ô-xi, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động lực lượng y tế của các ngành và tư nhân.
Tại hội nghị trực tuyến tập huấn về quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 và an toàn tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được tổ chức ngày 13/8, Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện chia tầng điều trị theo mô hình tháp ba tầng. Trong đó, tại tầng thứ nhất, bao gồm các bệnh viện dã chiến, các địa điểm tại cộng đồng, kể cả tại gia đình… để quản lý và chăm sóc người nhiễm Covid-19 không triệu chứng. Tầng điều trị thứ 2 là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, phục vụ những người bệnh có triệu chứng trung bình.
Ở tầng này cần có ba yếu tố rất quan trọng phải chuẩn bị, đó là: ô-xi, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm. Nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này thì sẽ giảm nhẹ bệnh cho ca mắc và không làm tăng nặng cho ca nhiễm, đem lại khả năng cứu sống nhiều người bệnh hơn. Do đó, các địa phương chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thuộc tầng này để bảo đảm có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất khi cần.
Đối với tầng thứ ba, tầng chuyên điều trị hồi sức tích cực cho người bệnh nặng, tất cả các địa phương phải chuẩn bị ngay… Thực tế khảo sát của Bộ Y tế cho thấy hiện tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng lúng túng, chuẩn bị chưa chu đáo, đầy đủ cho công tác điều trị. Công tác chuẩn bị phải đồng bộ, thống nhất, từ trang thiết bị đến nhân lực, không nên có tâm lý trông chờ vào nguồn nhân lực chi viện… Việc chuẩn bị càng kỹ lưỡng, càng chủ động thì hiệu quả trong điều trị càng cao.
Để giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19, hiện nay Bộ Y tế đã huy động hỗ trợ tổng lực cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Riêng TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã thành lập một bệnh viện và bốn trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ... đều được hỗ trợ trung tâm điều trị hồi sức tích cực.
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế phải dành ít nhất 40% nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương không đáp ứng được tình huống dịch diễn biến phức tạp. Đồng thời sẽ thí điểm triển khai điều trị người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác; thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir - một trong những thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ vi-rút tốt nhất…
MINH HOÀNG
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Thời sự xã hội - 18/10/2024
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa
Thời sự xã hội - 17/10/2024
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa