Covid-19 ngày 8/11: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

Tin tức dịch Covid-19 ngày 8/11 tại Việt Nam: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng, khuyến cáo 5K chưa được thực hiện tốt.

Tin tức mới nhất hôm nay

Các chuyên gia cho rằng, dịch lây lan rộng trong cộng đồng có phần nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân khi không thực hiện nghiêm 5K; ý thức của người dân lúc này rất quan trọng.

Thực tế, tỷ lệ dân số của Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19 lớn, nhiều người sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, các chuyên gia đề xuất Hà Nội nên tính đến phương án cách ly tại nhà.

nullCovid-19 ngày 8/11: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồngLiên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 8/11.

Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng, khuyến cáo 5K chưa được thực hiện tốt

Theo Tin tức, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều đã được dự báo trước, vì chúng ta chấp nhận sống chung với dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh ngày càng tăng cao là điều đáng quan tâm. Chứng tỏ người dân thực hiện các khuyến cáo phòng dịch và thực hiện 5K chưa tốt, đã có sự chủ quan”.

Đặc biệt vừa qua, hình ảnh hàng nghìn người chen chúc tại ga Cát Linh để đi trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông trong bối cảnh dịch đang lây lan rộng trong cộng đồng, khiến nhiều người lo ngại dễ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đây là điều đáng lo ngại, vì dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, dễ lây lan mạnh nếu không đề phòng. Việc những nơi công cộng không đảm bảo giãn cách tiềm ẩn nguy lây lan dịch bệnh cao. Vì hiện nay, đã có nhiều người được tiêm vaccine phòng COVID-19, nên có thể sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, họ không biết và đi lại trong cộng đồng, dễ lây nhiễm cho người khác.

Đặc biệt, mặc dù đã đề cao các biện pháp phòng dịch, tiêm chủng cho người dân đạt tỷ lệ cao, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, khi số lượng người nhiễm trong cộng đồng lớn sẽ ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm, những người không thể tiêm chủng, người già… những đối tượng dễ bị nặng, tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cũng cảnh báo: “Các cấp chính quyền, các tỉnh, thành cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ “tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2". Như vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã thống kê khoảng 80% trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả ổ dịch ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) mới đây, tỷ lệ này cũng chiếm gần 50%”.

Xuất hiện 2 ca F0, hàng vạn học sinh ở Hải Phòng tạm dừng đến trường

Sáng 8/11, lãnh đạo UBND quận Kiến An, TP Hải Phòng thông tin, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, quận quyết định cho học sinh các cấp học, trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên, các trung tâm kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tạm thời nghỉ học từ ngày hôm nay.

Trước đó, tối 7/11, quận Kiến An ghi nhận 7 ca dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm: 1 trường hợp từ Gia Lai đi về; 5 người ở cùng nhà tại phường Tràng Minh và 1 người cư trú tại phường Nam Sơn liên quan đến ca F0 ở tòa nhà Bạch Đằng, quận Lê Chân.

Trong đó, cơ quan chức năng đã xác định có 2 F0 là học sinh Trường THCS Bắc Hà thuộc phường Phù Liễn, quận Kiến An. Đây là các ca nhiễm liên quan đến ca bệnh Covid-19 ở phường Tràng Minh, quận Kiến An từng đi Gia Lai về từ ngày 30/10.

Liên quan đến ca nhiễm ở phường Tràng Minh, 1 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo ở huyện An Lão, TP Hải Phòng đã thành F0 và trường này được yêu cầu cho học sinh nghỉ học.

Sau khi xác định được 7 F0 mới với 134 F1 trên địa bàn và 1 F1 ở Trường THPT Trần Hưng Đạo, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Kiến An đã phối hợp chuyển 7 ca nhiễm Covid-19 và các F1 đi cách ly tập trung, yêu cầu cách ly tại nhà đối với các F2.

Trong ngày hôm nay 8/11, cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ tại Trường THCS Bắc Hà.

Cũng liên quan đến các ca nhiễm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng quyết định cho học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo tạm dừng đến trường từ 8/11, chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo an toàn và sức khỏe. Đồng thời, thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các trường học trên địa bàn huyện An Lão và quận Kiến An.

Trong khi đó, Trường THCS Hồng Bàng thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng cũng khẩn cấp thông báo cho học sinh nghỉ vì 1 học sinh của trường chuyển từ diện F2 thành F0.

Hiện trường hợp F0 này vẫn chưa được Sở Y tế Hải Phòng thông báo chính thức là ca mắc Covid-19.

Ngoài ra, Trường Tiểu học An Đồng thuộc xã An Đồng, huyện An Dương cũng tiếp tục cho học sinh nghỉ để làm xét nhiệm lần 2. Đây là trường có 2 học sinh mắc Covid-19.

Triển khai cách ly F1, F0 tại nhà hợp lý

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cùng với việc siết chặt phòng dịch, quản lý người về từ các địa phương có dịch, Hà Nội nên cho những ca F0 không có triệu chứng tự điều trị tại nhà, để giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế. Có thể để người dân tự khai báo và cách ly tại nhà; tránh việc nhiều trường hợp trở thành F0, nhưng không có triệu chứng, không khai báo y tế, vì họ sợ phải đi cách ly.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng: Hiện dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, việc xuất hiện nhiều F0 thì cùng với đó cũng sẽ có nhiều F1. Vì vậy, chúng ta cần phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời giảm lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Theo đó, việc cách ly cũng phải hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng để tránh lây lan dịch bệnh. Khi người dân được lựa chọn việc cách ly tại nhà thì phải đảm bảo được đúng theo yêu cầu về điều kiện cách ly của Bộ Y tế mới xem xét cho cách ly tại nhà. Nếu trường hợp không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà như: Phòng ốc chật chội, dễ có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng... thì vẫn cần cách ly tập trung.

Về vấn đề kiểm soát dịch của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện mục tiêu kép. Cùng với đó là xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, nhằm đánh giá nguy cơ đúng và có giải pháp phù hợp.

Đồng thời, Hà Nội cũng nhanh chóng bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho người dân, nhất là người già, người có bệnh nền; đặc biệt cần có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em…

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để ngăn dịch lan rộng trong cộng đồng, Hà Nội phải tăng cường tuyên truyền, giám sát chặt những người đi từ các địa phương về các tỉnh thực hiện tốt việc cách ly tại nhà, giám sát chặt trong thời gian đầu với người từ địa phương khác về. Các trường hợp này có thể xét nghiệm ngay, xét nghiệm trong vòng 7 ngày đầu; đồng thời thực hiện nghiêm việc cách ly, không đi ra ngoài, tiếp xúc với người khác.

“Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người dân rất quan trọng. Khi dịch len lỏi trong cộng đồng, thì chỉ có người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, mới có hiệu quả ngăn chặn lây lan. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp “5K” mới có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Xuất hiện 9 ổ dịch mới, TP.HCM điều chỉnh nhiều biện pháp phòng, chống

Trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM đã liên tiếp xuất hiện 9 ổ dịch COVID-19 mới. Ngành y tế đang tập trung nguồn lực để sớm khống chế các ổ dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Ngay sau khi xuất hiện các chùm ca bệnh được ghi nhận tại địa bàn 2 xã trên trong tuần đầu của tháng 11/2021, Sở Y tế TP.HCM (Sở Y tế) đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc thực hiện các biện pháp dập dịch. Đến ngày 7/11, kết quả lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân, đã phát hiện 81 trường hợp dương tính với SARS-COV-2.

Để chủ động hỗ trợ địa phương sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, Sở Y tế phối hợp Cục Quân Y (Bộ Quốc phòng) điều động 15 trạm y tế lưu động từ quận Bình Tân đến tăng cường cho huyện Hóc Môn. Sở Y tế đề nghị Trung tâm Hồi sức - Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Dã chiến số 14 tăng cường hội chẩn và hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho Bệnh viện huyện Hóc Môn.

Theo quy trình mới được áp dụng, các F0 khi được phát hiện nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà và được trạm y tế cấp phát thuốc điều trị theo quy định. Quá trình quản lý, điều tra và đánh giá lại ổ dịch sẽ được thực hiện sau mỗi 3 ngày nhằm phát hiện sớm tất cả các ca F0 mới để đưa vào quản lý và quyết định việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi ổ dịch.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, sau hơn 1 tháng triển khai kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Đến ngày 7/11 toàn thành phố đã có 14 quận huyện đạt tiêu chí vùng xanh (cấp độ 1 - nguy cơ thấp) còn 8 quận huyện trong vùng vàng (cấp độ 2 - nguy cơ trung bình) trên bản đồ COVID-19. Đánh giá chung toàn thành phố đang ở vùng vàng, thuộc cấp độ trung bình của dịch COVID-19.

Số liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TPHCM ngày 7/11 cho thấy, trung bình mỗi ngày tại TPHCM đang ghi nhận từ 900 đến 1.000 ca bệnh mới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 11.000 bệnh nhân, hơn 31.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, số ca mới mắc bệnh phải nhập viện đang cao hơn số ca được điều trị khỏi, xuất viện mỗi ngày.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên, TP.HCM cũng đối mặt với nhiều nguy cơ. Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, qua thống kê giám sát đã ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 và số ca nhập viện ở các bệnh viện tầng 2 tại thành phố đang tăng nhẹ trong 2 tuần gần đây. Đặc biệt, tại những quận huyện có nhiều khu công nghiệp và giáp ranh với nhiều địa phương như huyện Hóc Môn.

“Độ phủ vắc xin của TPHCM đã tương đối cao, tuy nhiên hiện nay rất nhiều người từ các tỉnh trở lại TPHCM học tập, làm việc nhưng chưa được tiêm vắc xin nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm khá cao. Thành phố đang từng bước dỡ bỏ giãn cách xã hội, nguy cơ tiếp xúc với nhau sẽ nhiều hơn, nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, số ca bệnh sẽ tăng trong thời gian tới”, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.

nullCovid-19 ngày 8/11: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

Số lượng xét nghiệm từ đợt dịch thứ 4 đến nay đã thực hiện 22.960.218 mẫu cho 62.212.978 lượt người.

Cả nước có 963.757 ca nhiễm, 837.585 bệnh nhân khỏi bệnh

Tình hình điều trị

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 963.757 ca, trong đó có 837.585 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (438.624), Bình Dương (238.905), Đồng Nai (72.173), Long An (35.761), Tiền Giang (18.104).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.301 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 840.402. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.280 trường hợp.

Số bệnh nhân tử vong

Trong ngày 7/11 đã ghi nhận 61 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (31), Bạc Liêu (7), Bình Dương (5), An Giang (5), Tiền Giang (4), Đồng Nai (2), Kiên Giang (2), Đắk Nông (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Quảng Ngãi (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 64 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.531 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 100.461 xét nghiệm cho 314.755 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.960.218 mẫu cho 62.212.978 lượt người.

Trong ngày 06/11 có 1.214.737 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 89.620.701 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.845.405 liều, tiêm mũi 2 là 28.775.296 liều.

Vẫn ghi nhận F0 trong cộng đồng, Phú Thọ triển khai xe tiêm phòng lưu động

Sáng nay (8/11), thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết: Từ 6h đến 18h ngày 7/11, địa phương này ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 mới.

Trong đó, có 23 trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đều đã được cách ly, theo dõi và quản lý và 2 trường hợp trong cộng đồng tại trung tâm huyện Thanh Sơn.

nullCovid-19 ngày 8/11: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

Cận cảnh xe tiêm phòng lưu động Covid-19 được triển khai tại TP Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh CDC Phú Thọ.

Từ ngày 14/10 đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận 1.067 ca mắc Covid-19.

Đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh ở cấp độ 2 (số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 7,63 ca/100.000 dân/tuần, 83,0% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19).

Trong đó, huyện Thanh Sơn ở cấp độ 3; 11/13 huyện ở cấp độ 2, gồm: TP. Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập và chỉ còn huyện Đoan Hùng đang ở Cấp độ 1.

Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 5 xã ở cấp độ 4 (Chu Hóa - Tp Việt Trì; TT Thanh Sơn, Thục Luyện, Sơn Hùng - Thanh Sơn; Văn Luông - Tân Sơn), 2 xã ở cấp độ 3 (Kim Thượng - Tân Sơn; Ngọc Đồng - Yên Lập), 40 xã ở cấp độ 2 và 178 xã, phường cấp độ 1.

Nhằm kịp thời phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 4/11 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ và thành phố Việt Trì đã phối hợp, sử dụng xe tiêm chủng lưu động để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn các xã có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Đây là chiếc xe chuyên dụng tiêm chủng lưu động được Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải tài trợ. Xe được thiết kế mái che, phía sau xe có lắp bậc thang, giúp người dânlên xuống dễ dàng; phần sàn có các bộ bàn ghế gắn cố định và được đóng/mở tự động.

Xe được trang bị thùng lạnh phía trong để bảo quản vắc-xin và có hệ thống phun khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng. Trong bối cảnh đang phải thực hiện cách ly y tế toàn xã thì đây là biện pháp cần thiết, tối ưu đối với người dân vùng dịch.

nullCovid-19 ngày 8/11: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

Diễn tập vận hành Trạm Y tế lưu động tại khu đông dân cư Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

TP.HCM lập đội phản ứng nhanh, Hà Nội diễn tập trạm y tế lưu động

* Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước việc số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày tăng, ngành y tế đã kích hoạt 40 trạm y tế lưu động và hình thành đội phản ứng nhanh.

Đội phản ứng nhanh của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã đến xã Xuân Thới Thượng và Bà Điểm (huyện Hóc Môn) để tìm nguyên nhân số ca F0 mới tăng cao tại khu vực này, đồng thời yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hóc Môn khẩn trương xử lý ổ dịch cộng đồng theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế.

Trước đó, Sở Y tế phối hợp Cục Quân y điều động 15 trạm y tế lưu động từ quận Bình Tân đến tăng cường cho huyện Hóc Môn. Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Hồi sức - Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện dã chiến số 14 tăng cường hội chẩn, hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho Bệnh viện huyện Hóc Môn.

* Nhằm kịp thời ứng phó với tình huống dịch diễn biến phức tạp, quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức diễn tập vận hành mô hình Trạm Y tế lưu động tại khu vực đông dân cư.

Tình huống được giả định: Trạm Y tế lưu động tại phường Giảng Võ được giao phụ trách khu vực gồm 306 hộ gia đình, với tổng số 52 ca F0 và 250 trường hợp F1 được điều trị, cách ly tại nhà. Trạm đã có danh sách cụ thể từng hộ gia đình trong khu vực, quản lý và theo dõi danh sách F0, F1 hiện đang cách ly tại nhà và danh sách những người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai trong khu vực phụ trách.

Trên cơ sở diễn tập vận hành Trạm Y tế lưu động, ông Hoàng Minh Dũng Tiến, Bí thư Quận ủy Ba Đình, cho biết, quận sẽ thiết lập 14 trạm tại 14 phường. Căn cứ vào tình hình thực tế, quận quyết định tăng thêm số lượng Trạm Y tế lưu động phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đề nghị quận Ba Đình quan tâm đến địa điểm đặt trạm nơi có giao thông thuận tiện. Trạm cần đủ có ít nhất 5 phòng riêng biệt, đảm bảo thu nhận được 100 người F0.

Thực hư tin “tìm người đi tàu Cát Linh - Hà Đông, yêu cầu cách ly”

Chiều tối qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin Sở Y tế ra thông báo khẩn “tìm người đi trên chuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày 7/11”.

Cụ thể, bản thông báo được lan truyền ghi rõ “Sở Y tế Hà Nội thông báo khẩn, tìm kiếm người đi trên chuyến vào ngày 7/11/2021. Những hành khách tham gia lộ trình trên khẩn trương liên hệ với cơ sở y tế gần nhất tại địa phương để được xét nghiệm và hướng dẫn cách ly".

Tuy nhiên, xác nhận với Báo Giao thông, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đây là thông tin không chính xác. “Chúng tôi chưa hề phát đi thông báo tìm người đi trên chuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông như thông báo trên”, lãnh đạo CDC Hà Nội thông tin.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là Thông báo giả vì còn lỗi chính tả và việc tìm kiếm người đi tàu trong cả ngày 7/11 là điều khó xảy ra.

nullCovid-19 ngày 8/11: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

Dòng người xếp hàng chờ đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), trong ngày đầu tiên khai thác (6/11), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã thu hút hơn 25.680 người dân đi tàu.

Ghi nhận của phóng viên, trong ngày thứ 2 vận hành chính thức (7/11), số người xếp hàng chờ trải nghiệm tuyến tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông này không giảm. Một số người muốn trải nghiệm cảm giác mới, ghi lại thời khắc lịch sử khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước đi vào khai thác đã bỏ khẩu trang để chụp ảnh.

Mặc dù khoảng thời gian không lâu nhưng với mật độ người khá đông trong khoang tàu, việc này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

Bàn về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, việc trải nghiệm là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân nhưng phải đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách. Lúc xếp hàng lên nhà ga Cát Linh - Hà Đông người dân phải tuân thủ điều kiện phòng chống dịch. Đặc biệt tuân thủ việc quét mã QR khi đến các ga tàu đường sắt đô thị.

Chấp thuận cho Đoàn ĐBQH TP.HCM họp trực tuyến do có người nhiễm COVID-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chấp thuận cho Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến, do có đại biểu bị nhiễm SARS-CoV-2 trong công tác phòng, chống dịch.

Văn phòng Quốc hội nhận được văn bản của Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh báo cáo có 2 trường hợp đại biểu Quốc hội dương tính với SARS-CoV-2, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn 9422/BYT-DP ngày 5/11/2021 về hướng dẫn phòng chống dịch cho đại biểu Quốc hội tham gia Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, ngày 6/11/2021, Văn phòng Quốc hội đã có báo cáo xin ý kiến và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội cho phép Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh không tham dự họp tập trung mà dự họp theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh vẫn tham gia phát biểu thảo luận và tham gia chất vấn, trả lời chất vấn tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

Đối với các đại biểu Quốc hội tại Trung ương thuộc Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh vẫn tham dự kỳ họp tại Nhà Quốc hội.

Văn phóng Quốc hội yêu cầu các Vụ, đơn vị có liên quan chủ động thực hiện, đảm bảo cho việc Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh tham dự họp trực tuyến Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV.

Trong 24 giờ, Hà Nội ghi nhận 81 ca nhiễm Covid-19, có 45 ca cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc Covid-19 mới từ 18h ngày 6/11 đến 18h ngày 7/11 là 81 ca, trong đó có 45 ca nhiễm trong cộng đồng.

Trong số 81 ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại Hà Nội trong 24 giờ qua, quận Thanh Xuân có 11 ca, quận Hà Đông 11 ca, quận Long Biên 8 ca, quận Ba Đình 7 ca.

Huyện Đông Anh 5 ca, huyện Mê Linh 5; các quận, huyện quận Nam Từ Liêm, Đống Đa, Gia Lâm mỗi nơi 4 ca.

Quận Hoàng Mai 3 ca, huyện Quốc Oai 3 ca; các quận, huyện Tây Hồ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm mỗi nơi 1 ca.

Các quận, huyện Phúc Thọ, Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ mỗi nơi 1 ca.

nullCovid-19 ngày 8/11: Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận 45 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng

Trong 81 ca bệnh mới ghi nhận này, có 17 ca thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt; 14 ca thuộc chùm sàng lọc ho sốt.

Ổ dịch Kho hàng Shopee Khu công nghiệp Đài Tư ghi nhận 9 ca nhiễm; chùm liên quan các tỉnh có dịch 7 ca; ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng 7 ca; ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm 7 ca; chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát 6 ca.

Ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai 4 ca; ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc Khánh 3 ca; ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam 2 ca; ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị 2 ca; ổ dịch Trần Duy Hưng 2 ca; ổ dịch Phú La – Hà Đông 1 ca.

Trong số 45 ca cộng đồng, thì có 14 ca thuộc chùm sàng lọc ho sốt; 9 ca thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt; 6 ca liên quan các tỉnh có dịch (6); 4 ca thuộc ổ dịch Kho hàng Shoppe KCN Đài Tư; 4 ca ở ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm; 2 ca ở ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị; 2 ca liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát; 2 ca ở ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc Khánh; 1 ca thuộc ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng; 1 ca thuộc ổ dịch Phú La – Hà Đông.

Tính theo theo quận, huyện, thì Thanh Xuân có 8 nhiễm cộng đồng, Đông Anh 5 ca, Nam Từ Liêm 4 ca, Gia Lâm 4 ca, Ba Đình 3 ca, Hà Đông 3 ca, Đống Đa 2 ca, Đan Phượng 2 ca, Long Biên 2 ca, Cầu Giấy 2 ca, Tây Hồ 2 ca, Hai Bà Trưng 2 ca, Hoàn Kiếm 2 ca, Chương Mỹ 1 ca, Thanh Trì 1 ca, Bắc Từ Liêm 1 ca và Hoàng Mai 1 ca.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 4.998 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.961 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.037 ca.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới