Điều chỉnh cách tiếp cận trong chống dịch Covid-19

Gần một tháng nay, số người mắc Covid-19 trong ngày vẫn duy trì ở mức 6.000 đến 9.000 ca. Riêng trong 10 ngày qua, số người mắc mới dao động trong mức 8.300 đến 9.700 ca/ngày. Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh đang có những điều chỉnh cách tiếp cận để ứng phó dịch hiệu quả hơn.
Ngày 18/8, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) bắt đầu hoạt động. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG
Ngày 18/8, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) bắt đầu hoạt động. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

Mô hình hai trụ, ba tầng

Ðến 18 giờ 30 phút ngày 18/8, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận trong cả nước có 301.957 ca nhiễm Covid-19. Việt Nam đứng thứ 73 trong tổng số 222 quốc gia và vùng lãnh thổ; tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ với bình quân có 3.071 ca nhiễm/1 triệu dân. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam được báo cáo tính đến cuối ngày 18/8 là 6.770, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

TP Hồ Chí Minh đã trải qua ba tháng chống dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, người dân thành phố và sự hỗ trợ của đông đảo cán bộ y tế từ nhiều địa phương trong cả nước. Tuy vậy, thực tế số ca mắc mới trong ngày cũng như tổng số ca mắc trên địa bàn vẫn nhiều nhất, chiếm hơn một phần hai tổng số ca mắc trong cả nước. Trước việc số người mắc mới và số người chết tiếp tục ở mức cao, thành phố đã có những chuyển hướng trong ứng phó nhằm từng bước hạ thấp số người mắc và chết do Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, thành phố sẽ tập trung vào hai trụ cột, thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với người mắc Covid-19 (F0) mới được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định; thứ hai là tập trung cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện. Ðối với công tác điều trị, thành phố điều chỉnh mô hình từ tháp năm tầng xuống tháp ba tầng, với tầng một là các ca F0 cách ly tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung tại TP Thủ Ðức và 22 quận, huyện; tầng điều trị thứ hai gồm có 74 bệnh viện tuyến thành phố; tầng thứ ba gồm tám bệnh viện hồi sức Covid-19 và năm trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế trên địa bàn. Thành phố sẽ tăng quy mô giường và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng hai; nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu, triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng vi-rút SARS-CoV-2 tại các bệnh viện tầng hai và ba.

Các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng tầng một bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng một, sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị thứ hai và thứ ba. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu nhà nào phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong một tuần. Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng. Song song đó cần mở rộng tầng hai và tầng ba, trong đó tầng hai phải bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. Các bệnh viện thuộc tầng ba bắt buộc giao ban hằng ngày về chuyên môn với các bệnh viện tầng hai, đồng thời cử ê-kíp y, bác sĩ xuống hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa sàng lọc, chuyển tuyến người bệnh ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y, bác sĩ tại tầng hai.

Ngày 18/8, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng Tân Bình do Bệnh viện Thống Nhất vận hành chính thức đi vào hoạt động. Ðáng chú ý, đây là mô hình bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh điều trị cùng lúc cả ba tầng bệnh Covid-19 (bệnh nhẹ, trung bình và nặng). Trong tổng số 1.000 giường bệnh có 50 giường hồi sức, 150 giường cho bệnh nhân nặng, 500 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình và 300 giường cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Tùy vào thực tiễn, bệnh viện sẽ có những điều chỉnh để phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị cho bệnh nhân.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị Bình Dương nghiên cứu, áp dụng công thức năm điểm chống dịch, gồm: thực hiện nghiêm giãn cách là cơ bản, quan trọng và quyết định; An sinh xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Xét nghiệm là then chốt; Giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; Vắc-xin là chiến lược lâu dài.

Kiểm tra lại trang thiết bị trước khi Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bộ Y tế, đặt tại Vĩnh Long) đi vào hoạt động từ cuối tháng 8. Ảnh TTXVN
Kiểm tra lại trang thiết bị trước khi Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bộ Y tế, đặt tại Vĩnh Long) đi vào hoạt động từ cuối tháng 8. Ảnh TTXVN

Rà soát để bóc tách F0

Một trong năm vấn đề được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai là tiếp tục xét nghiệm sớm nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng. Theo đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện theo hai hướng. Thứ nhất để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Thứ hai, chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn. Tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm và hỗ trợ, mỗi xe mỗi ngày thực hiện 2.000 đến 3.000 mẫu đơn. Nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP Hồ Chí Minh.

Xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng cũng là cách đang được nhiều địa phương triển khai để kịp thời phát hiện, tách các ca F0 khỏi cộng đồng. Trên cơ sở kết quả triển khai từ ngày 10 đến 15/8 (lấy 313.010 mẫu xét nghiệm phát hiện 29 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 tại năm quận, huyện) Hà Nội cũng đã quyết định từ ngày 18/8 đến 20/8, triển khai đợt hai lấy mẫu xét nghiệm cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR. Mục tiêu trong đợt 2 này, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực “vùng đỏ”, khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển, tiếp xúc nhiều…

Nhiều địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Bạc Liêu… cũng đang tập trung tận dụng tối đa thời gian “7 ngày vàng” của đợt giãn cách thứ ba để tăng cường xét nghiệm tầm soát, sàng lọc Covid-19 để tách F0 ra khỏi cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh.

 
MINH HOÀNG

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới