Giải bài toán thiếu bác sĩ chất lượng ở vùng sâu
Tăng cường nhân lực có trình độ về vùng khó khăn
Cuối tháng 10 vừa qua, lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I thuộc dự án "thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" (dự án 585) khai giảng tại trường ĐH Y Hà Nội. Đây là lớp thứ 8 được đào tạo trong giai đoạn 2 của dự án này.
35 học viên là bác sĩ trẻ tham dự lớp này được tuyển dụng làm việc tại 24 huyện khó khăn, biên giới thuộc 10 tỉnh khu vực miền núi phía bắc, duyên hải miền Trung. Nơi họ đang công tác là các bệnh viện, trung tâm y tế huyện miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao như Quan Hóa (Thanh Hóa), Sơn Động (Bắc Giang), Pắc Nặm (Bắc Kạn), Mường Tè (Lai Châu)...
Các bác sĩ trẻ theo học 9 chuyên ngành gồm: chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, xét nghiệm, truyền nhiễm và y học cổ truyền. Trong 24 tháng liên tục, học viên được đào tạo theo hình thức "1 thầy, 1 trò". Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, họ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Việc tổ chức đào tạo trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp I với 9 chuyên ngành nêu trên sẽ góp phần quan trọng, bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn. Đây cũng là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn; hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội".
Sau hơn 6 năm đào tạo theo dự án, tổng số bác sĩ chuyên khoa I đã và sẽ về công tác tại huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo thuộc các tỉnh khu vực miền núi phía bắc, miền Trung, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam Bộ là hơn 700.
Thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến ở cơ sở
Dự án 585 đã và đang từng bước giải quyết được bài toán về nguồn nhân lực chất lượng, có chuyên môn cho y tế cơ sở. Qua dự án, nhiều bác sĩ có cơ hội được cử đi đào tạo trình độ BSCKI các chuyên ngành, có nghiệp vụ vững vàng, có thể làm việc độc lập, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, giúp người dân được thụ hưởng những kỹ thuật mới, dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Qua đó, giúp giảm chi phí xã hội của người bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trong các bệnh viện huyện được thụ hưởng dự án, BVĐK huyện Thường Xuân, Thanh Hóa có 4 bác sĩ được tham gia đào tạo theo dự án 585 thuộc chuyên ngành truyền nhiễm, nội, nhi khoa và chẩn đoán hình ảnh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo bệnh viện này, nơi đây vốn rất khó khăn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân do đội ngũ bác sĩ còn thiếu, trang thiết bị y tế hạn chế. Tuy nhiên, 4 bác sĩ của dự án đã giúp cho người bệnh địa phương được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải ở bệnh viện tuyến trên và tránh lãng phí cho người bệnh khi phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Chỉ tính riêng ở Thanh Hóa, Dự án 585 đã bàn giao 25 bác sĩ về công tác tại các huyện khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 3 bác sĩ trẻ tình nguyện từ tuyến Trung ương, còn lại là các bác sĩ tuyến tỉnh được cử đi đào tạo, đang làm việc tại các BVĐK huyện: Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát với các chuyên khoa: gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, ngoại, truyền nhiễm, nội, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, y học cổ truyền, sản phụ khoa…
Trong giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa dự kiến có khoảng 20 bác sĩ trẻ tình nguyện và 60 BSCKI được hỗ trợ đào tạo theo dự án 585. Tham gia dự án, các bác sĩ trẻ được đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc" với nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, do đó sau khi về đơn vị công tác sẽ đóng góp lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn của Thanh Hóa.
Tương tự, tại tỉnh Lào Cai, các bệnh viện tuyến huyện hiện đang thiếu trầm trọng các bác sĩ ở tất cả chuyên khoa, đặc biệt là các chuyên khoa chính như nội, ngoại, sản, nhi, gây mê, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy, việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa là nhu cầu rất cấp thiết tại các bệnh viện tuyến huyện thuộc vùng khó khăn của tỉnh.
Thời gian qua, dự án 585 đã đào tạo được 26 bác sĩ chuyên khoa I cho các bệnh viện tuyến huyện. Nhờ vậy, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao như phẫu thuật ổ bụng, phẫu thuật kết hợp xương, phẫu thuật sản khoa, phẫu thuật nội soi... cùng các phẫu thuật phức tạp khác được triển khai. Các bác sĩ sau đào tạo đã thực hiện được nhiều kỹ thuật vượt tuyến ngay tại cơ sở, góp phần đưa dịch vụ y tế hiện đại đến gần dân hơn.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh