Hà Nội dồn sức ứng phó dịch Covid-19

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 (F0) trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng cao, trong đó có hàng trăm ca mắc trong cộng đồng. Riêng ngày 20/12, toàn thành phố ghi nhận tổng số 1.641 ca. Các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhằm giảm số ca tăng nặng và số người tử vong.
Ðoàn kiểm tra của quận Hoàn Kiếm rà soát vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ công tác điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động ở số 9 phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền. Ảnh: BẢO TRUNG
Ðoàn kiểm tra của quận Hoàn Kiếm rà soát vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ công tác điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động ở số 9 phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền. Ảnh: BẢO TRUNG

 

Ba ngày gần đây, mỗi ngày thành phố Hà Nội ghi nhận từ 1.400 đến 1.600 ca mắc mới, trong đó có 40% là ca mắc trong cộng đồng. Số ca mắc tăng nhanh, cho nên thành phố thực hiện cách ly, điều trị F0 không triệu chứng và thể nhẹ tại nhà, lập các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị tại địa phương để giảm áp lực cho hệ thống y tế tuyến trên.

Kích hoạt các trạm y tế lưu động, cơ sở điều trị

Toàn thành phố hiện có 12.561 F0 đang điều trị, trong đó hơn 2.000 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, 2.829 người điều trị tại các cơ sở thu dung, 3.960 người đang điều trị tại các trạm y tế lưu động, 3.497 người đang được theo dõi, cách ly tại nhà. Trước số lượng các ca F0 tăng cao, thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100 nghìn ca bệnh. Ngành y tế đã ban hành Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà; cấp 40 nghìn viên thuốc Molnupiravir cho hai bệnh viện và 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; phân bổ 6.000 túi thuốc A cho các quận, huyện, thị xã để điều trị F0 tại nhà.

Là địa bàn có cấp độ dịch ở mức 3 (vùng cam), quận Ðống Ða đã kích hoạt các trạm y tế lưu động để chăm sóc, điều trị kịp thời cho F0. Tại trạm y tế lưu động ở phố Hào Nam, lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa cho biết, Ðoàn Thanh niên phường đã lập đội cơ động gồm 80 thành viên thực hiện giám sát người bệnh, cũng như hỗ trợ mang thuốc đến cho các trường hợp đủ điều kiện điều trị tại nhà. Phó Chủ tịch UBND quận Trịnh Hữu Tuấn cho biết, quận đã đưa vào vận hành cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ với quy mô 600 giường tại khu ký túc xá Trường đại học Thủy lợi, thu dung hơn 150 người bệnh thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tại quận Hai Bà Trưng, địa bàn vừa được đánh giá cấp độ dịch cũng ở mức 3, từ ngày 14/12, quận đã đưa vào hoạt động cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng với quy mô 250 giường tại khu ký túc xá Trường đại học Xây dựng. Ðến ngày 20/12, cơ sở đã thu dung điều trị 110 bệnh nhân, trong đó có ba người nước ngoài. Trong số các trường hợp được quản lý, chăm sóc tại đây có hai bệnh nhân diễn biến nặng hơn đã được kíp trực xử trí ổn định trước khi chuyển đến bệnh viện. Hiện tại đã có 19 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và không còn triệu chứng trong ba ngày, đã được về nhà tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.

Ông Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm)-địa bàn "vùng cam" trong khu phố cổ cho biết, những ngày qua, chùm ca bệnh tại phố Hàng Thiếc có xu hướng gia tăng các ca F0, toàn bộ phố Hàng Thiếc được cách ly y tế. Với các trường hợp F0 có triệu chứng, là người cao tuổi, có bệnh nền... được chuyển tới bệnh viện, trạm y tế lưu động, còn F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, bảo đảm yêu cầu theo quy định của Sở Y tế Hà Nội có thể điều trị tại nhà, được nhân viên y tế định kỳ một ngày hai lần đến thăm khám. Trước tình hình này, quận Hoàn Kiếm đã kích hoạt Trạm y tế lưu động tại địa chỉ số 9 phố Hai Bà Trưng, công suất thu dung, điều trị cho 200 bệnh nhân. Ðây là Trạm y tế lưu động thứ ba của quận sau trạm y tế lưu động tại phố Ðồng Xuân và phố Hàng Thiếc. Cùng với đó, quận đã chủ động lên phương án chuẩn bị, trong điều kiện cần thiết thành lập 38 trạm y tế lưu động.

Quận Ba Ðình đã thành lập hai trạm y tế lưu động, hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của Trung tâm Y tế quận, gồm Trạm y tế lưu động tại Trường mầm non Tuổi thơ, ngõ 24 phố Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, với quy mô 200 giường bệnh và Trạm y tế lưu động tại Trường mẫu giáo số 10, ngõ 100 Ðội Cấn, phường Ðội Cấn có thể thu dung, điều trị cho 180 người bệnh. Theo đại diện UBND quận Ba Ðình, đến nay hai trạm y tế lưu động tiếp nhận, điều trị 178 bệnh nhân Covid-19. Sau thời gian theo dõi, điều trị tích cực, đến nay 77 trường hợp đã đủ điều kiện trở về gia đình tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định.

Cùng với việc đưa vào vận hành các cơ sở thu dung; lập trạm y tế lưu động tại các phường, thành phố tiến hành mở rộng các cơ sở điều trị. Trong vòng bốn ngày, Bệnh viện Tim Hà Nội đã khẩn trương lắp đặt và đưa vào sử dụng Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 50 giường để phục vụ cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình. Từ ngày 12/12, quận Long Biên đưa vào vận hành phần mềm quản lý F0 đã giảm tải cho công tác quản lý, điều trị, giúp người dân yên tâm hơn. Sau khi người dân test nhanh cho kết quả dương tính có thể tự cập nhật vào hệ thống của Sở Y tế, sau đó trả lời các câu hỏi để đối chiếu với tình trạng sức khỏe của mình. Khi F0 không có triệu chứng, hệ thống sẽ báo mầu xanh; nếu đo thấy chỉ số SPO2 dưới 96, phần mềm sẽ báo mầu vàng và lực lượng chức năng tại địa phương sẽ ngay lập tức vận chuyển đến cơ sở thu dung để điều trị.

Tập trung tối đa cho y tế cơ sở

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng như hướng dẫn chuyên môn của một số sở, ngành vẫn còn chậm, việc tổ chức xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm chưa cụ thể, thống nhất, rõ ràng, một số F0 chậm được cơ quan y tế hướng dẫn điều trị. Tại nhà số 271 đường Hồng Hà (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) có 14 người gồm cả chủ nhà và người thuê nhà phát hiện dương tính ngày 18/12, không đủ điều kiện cách ly tại nhà, nhưng đến ngày 20/12 mới được phát thuốc, yêu cầu ở trong nhà, chưa được đưa đi điều trị cơ sở tập trung. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, do số lượng F0 tăng nhanh, nhiều xã, phường đang thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất và trang, thiết bị y tế thiếu thốn. Hiện các lực lượng y tế đang phải tập trung xử lý khối lượng công việc rất lớn cho nên đôi khi chậm trễ việc liên hệ F0 và cấp phát thuốc.

Xác định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang có chiều hướng phức tạp, nhất là trong thời điểm cuối năm, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khi mật độ người dân đi lại, giao thương tăng cao; biến chủng Omicron có nguy cơ xâm nhập rất lớn, thành phố xác định tập trung nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trước mắt, cần tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm vật tư, máy xét nghiệm, thiết bị y tế… để tăng cường cho bệnh viện cấp huyện nâng cao năng lực xét nghiệm khắc phục việc trả mẫu chậm, quá tải; xây dựng cơ chế, chính sách trả thù lao cho lực lượng y sĩ, bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y được huy động.

Ðể giảm tải công việc cho cán bộ, nhân viên y tế, thành phố thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà với lực lượng thanh niên là nòng cốt và chủ trì triển khai, để tiếp nhận thông tin từ F0 tại nhà, cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin và khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của người cách ly để thông báo ngay cho cán bộ trạm y tế. Thành phố tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước ngày 31/1/2022; và hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022. Những người hơn 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vắc-xin và các trường hợp chưa tiêm vắc xin… sẽ được các tổ Covid cộng đồng lập danh sách quản lý, có thể tổ chức tiêm lưu động, tại nhà, để những đối tượng này được tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời ■

Hương Trang và Toản Sơn

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới