Hai sáng kiến đặc biệt giúp y bác sĩ tránh kiệt sức khi mặc đồ phòng hộ
Sáng kiến giúp uống nước khi mặc đồ phòng hộ
Bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái là người trực tiếp lên ý tưởng sáng tạo chiếc bình tiếp nước đặc biệt này.
Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ Hiếu cho biết bắt đầu suy nghĩ về cách làm sản phẩm này từ ngày 3/5, sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cử đoàn công tác tham gia truy vết tại một đám cưới có F0.
Thời điểm ấy, một nữ bác sĩ trong đoàn tâm sự với anh Hiếu, mặc đồ bảo hộ liên tục nhiều giờ đồng hồ khiến chị rất khát và kiệt sức, nhưng không biết làm cách nào để uống được nước.
Cởi đồ chống dịch khi đang làm việc là điều không thể bởi quy trình rất phức tạp, mất thời gian, chưa kể nguy cơ lây nhiễm cao nếu thao tác có sơ suất. Bên cạnh đó, đồ phòng hộ cấp 4 có giá thành đắt đỏ, không dễ dàng mua nên việc thay nhiều lần sẽ lãng phí.
Cùng ngày, anh Hiếu tiếp tục nghe chuyện về các nhân viên y tế làm nhiệm vụ xét nghiệm Covid-19. Họ kể, trước khi mặc đồ phòng hộ luôn phải chủ động uống nước, đi vệ sinh để sẵn sàng làm việc liên tục suốt 6 tiếng. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết oi bức, phòng xét nghiệm lại không có điều hòa và quạt, tất cả họ đều bị mất nước, rất mỏi mệt.
“Lúc ấy, tôi nghĩ phải có cách nào đó giúp anh em được uống nước ngay khi đang mặc đồ bảo hộ. Thiết kế này phải đơn giản, gọn nhẹ, dễ thực hiện để mọi nơi đều làm được”, bác sĩ Hiếu nói.
Anh nhanh chóng phác họa lại ý tưởng ngay trên điện thoại, sau đó bàn bạc với 3 đồng nghiệp khác để bắt tay vào thực hiện bản mô phỏng.
Thiết bị tiếp nước được tạo bởi nguyên liệu rất dễ kiếm, sẵn có ở tất cả cơ sở y tế với giá thành chỉ khoảng 10 nghìn đồng cho một sản phẩm.
Hai chai nước đựng trong túi vải, treo ở hai bên thắt lưng theo hướng chúc ngược. Một bộ dây nhựa (thường dùng để truyền thuốc, đã vô khuẩn) được cắm thẳng, cố định vào nắp chai, sau đó đưa theo áo đi lên trên, vòng qua vành tai đến sát miệng. Đầu ống gắn cố định vào dây đeo khẩu trang bằng băng dính.
Khi khát nước, nhân viên y tế chỉ cần hút nhẹ đầu ống, nước sẽ tự chảy. Trường hợp chai bị hóp do lực hút mạnh, thổi lại vào chai lượng hơi tương đương, bình nước sẽ phồng lên. Nếu không có túi vải, có thể thay thế bằng túi nilon, sau đó treo chai nước vào đỉa quần.
Nhóm 4 người của bác sĩ Hiếu chia nhau làm từng đầu việc, người may túi đeo, người thử nghiệm cắm dây truyền vào chai nước, người trực tiếp sử dụng sản phẩm trong bộ đồ bảo hộ nhiều tiếng đồng hồ.
Sau đúng 2 ngày, sản phẩm mô phỏng đã được hoàn thiện. Nhóm tặng các thiết kế đầu tiên cho y bác sĩ thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, các đoàn của Bệnh viện chi viện cho tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh.
Một số mẫu cũng được gửi tặng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang để thử ứng dụng.
Từ khi có bình tiếp nước, nhiều y bác sĩ tâm sự không chỉ mang theo nước lọc để giải khát, mà còn có thêm nước đường, nước hoa quả phòng tình huống đói lả khi phải làm việc quá giờ ăn.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là trợ giúp anh em đồng nghiệp đang phải ngày đêm chống dịch tránh được tình trạng say nắng, say nóng trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt như hiện tại. Tôi cũng hy vọng dịch bệnh sớm qua để mọi người trở lại với công việc, cuộc sống bình thường, không cần phải dùng đến những biện pháp này nữa”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Bộ quạt làm mát chạy 6 tiếng liên tục bên trong trang phục chống dịch
Kỹ sư Lưu Thiện Trường, Phòng Vật tư Thiết bị y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Giải Phóng cho biết, bộ quạt làm mát có trọng lượng khoảng 350-400g, cấu tạo gồm 2 chiếc quạt nhỏ, 1 pin dự phòng, 1 cáp nối, 1 sạc nguồn và 1 dây đai.
Trước khi mặc đồ phòng hộ, y bác sĩ chỉ cần đeo quạt lên thân người, cắm nối đầu cáp với pin dự phòng, sau đó bật quạt bằng cách nhấn giữ nút nguồn. Quạt chạy liên tục được 6 tiếng, có thể điều chỉnh tốc độ để vừa đủ mát.
Kỹ sư Trường chia sẻ, anh cùng Ths Lê Đức Lịch Sử, Phó Phòng Vật tư Thiết bị y tế có ý tưởng về thiết bị này vào khoảng giữa tháng 5, khi thời tiết bắt đầu nóng hơn.
“Taị cơ sở Đông Anh, đồng nghiệp của chúng tôi vẫn đang làm nhiệm vụ chống dịch. Nắng nóng khắc nghiệt nhưng các bạn ấy phải mặc đồ phòng hộ 6 tiếng khi vào ca. Rồi ở tâm dịch Bắc Giang, báo chí đưa tin nhiều nhân viên y tế kiệt sức, ngất xỉu ngay trong ca làm. Chúng tôi nghĩ phải nhanh chóng tìm được giải pháp để giúp họ phần nào”, anh Trường nói.
Nhóm lên ý tưởng về một bộ thiết bị đơn giản, tiện lợi nhất để có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng thực tế. Ngoài đóng góp của bản thân, để có đủ kinh phí thực hiện các sản phẩm, các kỹ sư kêu gọi thêm sự ủng hộ của bạn bè.
Khi đeo trên người, bộ quạt làm mát có công dụng thổi bớt mồ hôi và hơi nóng, khiến chúng không ứ đọng ở một chỗ. Từ đó, y bác sĩ sẽ giảm cảm giác ngứa ngáy, ẩm ướt do mồ hôi, cơ thể dễ chịu hơn.
Hiện nhóm đã hoàn thiện xong 40 bộ sản phẩm, gửi cho các đồng nghiệp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và tặng một số mẫu cho các bệnh viện khác thử nghiệm.
Kỹ sư Trường cho biết đây là giải pháp trước mắt. Nhóm cũng đang có ý tưởng thiết kế sản phẩm lấy năng lượng gió từ bên ngoài để làm mát tốt hơn. Tuy nhiên, sáng kiến này còn trong giai đoạn nghiên cứu bởi mất nhiều thời gian hơn, phức tạp hơn.
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh