Khó khăn bủa vây người lao động ở tâm dịch Bắc Giang

Không chỉ đối mặt nguy cơ lây nhiễm, hàng chục nghìn công nhân ở khu cách ly, phong tỏa tại Bắc Giang đang rơi vào cảnh thiếu thốn thực phẩm.
PV Báo Giao thông tại Bắc Giang phối hợp với Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Giang hỗ trợ công nhân tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên
PV Báo Giao thông tại Bắc Giang phối hợp với Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Giang hỗ trợ công nhân tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên

Thiếu thực phẩm, công nhân lên mạng khẩn cầu hỗ trợ

Những ngày này, huyện Việt Yên là địa bàn được đánh giá có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhất tỉnh Bắc Giang, bởi tập trung nhiều khu công nghiệp. Đáng chú ý, KCN Quang Châu, nơi có Công ty Hosiden Việt Nam với gần 6.000 lao động, số ca lây nhiễm Covid-19 được xác định tăng cao từng ngày…

Ghi nhận giữa tâm dịch, hàng loạt công nhân tại Việt Yên bị cách ly, phong tỏa ngay tại nhà trọ, trong số này có rất nhiều người không thể ra ngoài để mua thức ăn. Một số trường hợp là công nhân thời vụ, nhiều tháng nay không có việc làm hoặc mới đi làm nên chưa kịp nhận lương, hết tiền trang trải cuộc sống.

Thậm chí, nhiều trường hợp doanh nghiệp trả lương, tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng nhưng do đang trong giai đoạn bị cách ly, phong tỏa nên không thể rút tiền chi tiêu…

Bên cạnh đó, một số điểm chính quyền ngăn cấm việc mở quán bán hàng, các thôn, xã đều bị giãn cách khiến việc cung ứng thực phẩm bị gián đoạn, cuộc sống nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn, túng quẫn, hết đồ ăn nhiều ngày, cần được hỗ trợ gấp...

Nữ công nhân Cà Thị O (SN 2003, quê Thuận Châu, tỉnh Sơn La), hiện đang ở trọ tại tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên chia sẻ: “Em và bạn cùng nhau xuống Bắc Giang tìm việc làm được hơn 1 tháng nay.

Khi đó, chúng em có xin gia đình vài triệu đồng để trang trải cuộc sống. Sau khi tìm được việc làm, bọn em phải chung tiền thuê nhà trọ, mua sắm đồ dùng cá nhân nên nhiều tuần nay chỉ biết ăn mỳ tôm trừ bữa. Tuy nhiên, sau gần 2 tuần khu vực nhà trọ bị cách ly, đến nay ngay cả mỳ tôm cũng chẳng còn để ăn, trong khi ở nơi đất khách quê người, lại mới đến địa phương nên em không biết nhờ cậy đến ai, đành lên mạng xã hội để cầu cứu, nhờ người giúp đỡ”.

Chị L.T.N ở trọ tại tổ dân phố Hoàng Mai (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên) đang mang bầu, giờ lại mắc kẹt một mình tại xóm trọ, trong khi khắp nơi đang bị cách ly, phong tỏa. Hết đồ ăn, chị đã lên mạng cầu cứu, nhờ người đến hỗ trợ gấp.

Lướt qua các nhóm Facebook như “Chợ My Điền”, “Khu công nghiệp Quang Châu”... đều dễ dàng nhìn thấy hàng trăm tin nhắn, bình luận bày tỏ việc công nhân đang gặp khó khăn, cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Trong đó, không chỉ những công nhân trẻ tuổi, nhiều gia đình người lao động còn có cả trẻ nhỏ cũng đang sống trong cảnh túng quẫn giữa mùa dịch.

Được biết, hiện nay, tại thị trấn Nếnh và các xã Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến, huyện Việt Yên đang có khoảng 40.000 công nhân trong và ngoài tỉnh Bắc Giang ở trọ.

Ông Chu Bá Tuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Việt Yên cho biết, do số lượng người bị phong tỏa, cách ly tập trung quá đông, trước mắt, UBND huyện đã quyết định hỗ trợ một phần ngân sách để bảo đảm các bữa ăn hàng ngày cho người dân.

“Tuy nhiên, đó mới chỉ là tạm thời, trên tinh thần cấp bách, khẩn cấp đối với những trường hợp bị phong tỏa, không thể ra khỏi phòng trọ để mua lương thực, thực phẩm. Riêng hàng chục nghìn người chỉ bị cách ly trong cộng đồng thì huyện đề nghị các doanh nghiệp chủ quản, gia đình, người thân và các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn”, ông Tuân cho hay.

Nhiều hình thức chung tay hỗ trợ

Trước tình hình trên, bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc các cấp tỉnh Bắc Giang, các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đã tích cực kêu gọi ủng hộ, trực tiếp vào cuộc hỗ trợ công nhân, người lao động đang gặp khó khăn.

Cùng đó, các nhóm thiện nguyện trên địa bàn cũng được các tổ chức, cá nhân thành lập, sẵn sàng kết nối, chuyển lương thực, thực phẩm vào tâm dịch, hỗ trợ, không để công nhân “đứt bữa”.

Trong đó, PV Báo Giao thông đã cùng Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Giang phối hợp kết nối, hỗ trợ 500 suất quà đến tận tay các công nhân đang gặp khó khăn tại các tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh và thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên.

“Trực tiếp phát quà, ai trong đoàn cũng rơm rớm nước mắt vì khả năng có hạn, chưa thể giúp đỡ được nhiều hơn. Nhiều công nhân đội nắng, đi bộ vài km đến xếp hàng nhưng chưa đến lượt đã hết quà khiến chúng tôi đều áy náy, quyết tâm tiếp tục kêu gọi hỗ trợ cho người lao động”, ông Lê Xuân Trường, Phó giám đốc Vietcombank Bắc Giang bày tỏ.

Cũng sau phản ánh của Báo Giao thông về thực trạng khó khăn của người lao động tại khu My Điền, thị trấn Nếnh, ông Trương Viết Công, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đại Thanh, TP Bắc Giang đã cùng nhóm thiện nguyện tổ chức bếp ăn, cung cấp 600 suất cơm miễn phí/ngày cho các công nhân đang gặp khó khăn tại địa phương này.

Theo đó, mỗi ngày nhóm đều lên danh sách cụ thể những nhà trọ có công nhân cần giúp đỡ rồi đi chợ, nấu nướng, vận chuyển, phát tận tay người lao động.

“Lúc còn nhỏ, làng tôi cũng gặp nạn đói, gia đình tôi cũng tổ chức phát cháo cứu dân. Nay đọc được thông tin phản ánh của Báo Giao thông, tôi đã quyết định thực hiện chiến dịch phát cơm miễn phí với mong muốn kịp thời giúp đỡ, góp phần làm ấm lòng người lao động đang gặp khó khăn trong dịch bệnh”, ông Công tâm sự.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng TP Bắc Giang cùng nhóm bạn cũng thành lập nhóm thiện nguyện lướt mạng xã hội, nắm bắt tình hình, kịp thời vận chuyển, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết đến người lao động đang gặp khó khăn.

Với cách làm này, nhóm đã giúp hàng trăm người lao động vững tin chống dịch. Tuy vậy, do số lượng công nhân quá lớn, các phần quà đều phải chia nhỏ với phương châm mỗi người chỉ đủ dùng từ 2 - 3 ngày để có thể giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn.

Hiện nay, có trên 12.000 lao động ngoài tỉnh Bắc Giang phải ở lại trong các khu vực cách ly xã hội. Trước những khó khăn trên, Bắc Giang đã huy động xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết. Tính tới nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang và các cấp đã tiếp nhận 73,8 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật từ các nơi chuyển về. Trước mắt sẽ ưu tiên phân phối lương thực, thực phẩm, khẩu trang cho các khu cách ly, chốt kiểm soát dịch bệnh. Số còn lại sẽ được sử dụng vào việc mua thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Văn Thương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong

Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong

Thời sự xã hội - 23/03/2024

Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong

Cà Mau công bố kết thúc ổ dịch đậu mùa khỉ đầu tiên

Cà Mau công bố kết thúc ổ dịch đậu mùa khỉ đầu tiên

Thời sự xã hội - 13/03/2024

Cà Mau công bố kết thúc ổ dịch đậu mùa khỉ đầu tiên

Chó thả rông cắn liên tiếp 7 người ở Phú Yên

Chó thả rông cắn liên tiếp 7 người ở Phú Yên

Thời sự xã hội - 13/03/2024

Chó thả rông cắn liên tiếp 7 người ở Phú Yên

Bắc Giang: Uống rượu ngâm cây rừng, 2 người chết, 1 người nguy kịch

Bắc Giang: Uống rượu ngâm cây rừng, 2 người chết, 1 người nguy kịch

Thời sự xã hội - 10/03/2024

Bắc Giang: Uống rượu ngâm cây rừng, 2 người chết, 1 người nguy kịch

Chủ tịch Quốc hội: Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để truyền thông pháp luật

Chủ tịch Quốc hội: Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để truyền thông pháp luật

Thời sự xã hội - 07/03/2024

Chủ tịch Quốc hội: Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để truyền thông pháp luật

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới