Ðáng lo ngại, tình trạng như ông T. không phải hiếm gặp. Tại các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành như nội tiết, ung thư… thường xuyên tiếp nhận điều trị cho những trường hợp không điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ mà bỏ thuốc, chuyển sang điều trị bằng những loại thuốc được mua theo kiểu truyền miệng, rỉ tai… hoặc mua trên mạng xã hội. Hậu quả để lại luôn là những điều đáng tiếc. Nhẹ là bệnh tình cũ không khỏi, nặng hơn là mất "thời điểm vàng" trong điều trị bệnh, thậm chí "tiền mất, tật mang".
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người khi có bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế, điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Người bệnh không nên tin lời quảng cáo trên mạng để tự mua thuốc hoặc tự điều trị. Việc sử dụng thuốc đông y phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định của các cơ quan chức năng vì thực tế đã có bằng chứng về việc một số loại thuốc đông y được trộn thành phần tân dược.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử phát triển theo. Giờ đây, người tiêu dùng có thể mua được rất nhiều thứ trên đó. Trên không gian mạng, nhiều người đang mạo danh là nhân viên y tế, bác sĩ thậm chí cả đến giáo sư đầu ngành để quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng. Có người mạo danh cả bệnh viện này, bệnh viện kia để cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, dịch vụ điều trị các bệnh nan y... Do vậy rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi lừa đảo, trục lợi trên không gian mạng. Ðặc biệt cần quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, mua bán các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người.