Liên tiếp ca ngộ độc thuốc nam dẫn đến suy gan, thận
Hoạt chất ngộ độc chết người có trong thuốc trị đái tháo đường
Chỉ trong khoảng 20 ngày vừa qua, Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận liên tiếp 2 ca bệnh nhiễm trùng hoại tử da nặng sau khi tự ý sử dụng thuốc nam.
Vết thương tấy đỏ, chảy mủ hôi thối, người bệnh sốt cao và được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, có dấu hiệu suy đa tạng nguy hiểm tính mạng.
Đáng chú ý, bệnh nhân Giàng A T. (28 tuổi, Trạm Tấu, Yên Bái) trong một lần đi rừng bị côn trùng đốt làm sưng tấy đùi, đã tự mua thuốc nam đắp. Không lâu sau, vết thương lan rộng hoại tử da từ đùi đến bẹn và bìu, lộ cả tinh hoàn.
Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân đã lơ mơ, xét nghiệm có dấu hiệu suy gan, thận và gia đình đã có ý định xin cho bệnh nhân về nhà. Sau khi hội chẩn và giải thích cho người nhà, người bệnh nhanh chóng được phẫu thuật trong cấp cứu cắt lọc rộng rãi, lấy bỏ tổ chức hoại tử, cầm máu, để hở vết thương.
Sau mổ ngoài hồi sức, truyền dịch, kháng sinh mạnh, dự kiến người bệnh sẽ tiếp tục còn trải qua vài lần phẫu thuật cắt lọc, ghép da và tạo hình da vùng bìu.
Chia sẻ với PV, PGS. TS. Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn cho biết: “Tôi và anh Phạm Vũ Hùng (Trưởng khoa - PV) trực tiếp cùng anh em trong khoa rất cố gắng phẫu thuật để cứu sống bệnh nhân nhưng cũng phải tư vấn cho họ và gia đình để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau này”.
Tương tự, BS. Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cảnh báo: “Gần đây khoa cấp cứu tiếp nhận khá nhiều các trường hợp sử dụng thuốc nam được quảng cáo là “gia truyền 3 đời” để điều trị các bệnh viêm gan, đái tháo đường, viêm khớp… Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, khoảng 20 bệnh nhân nhập viện cùng nguyên nhân từ thuốc nam không rõ nguồn gốc”.
Cụ thể, một bệnh nhân nam 63 tuổi uống thuốc nam không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ sau 2 ngày dùng thuốc đã phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, tuần hoàn, đa phủ tạng.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm, tuy nhiên đã tự ý mua và sử dụng một loại thuốc viên hoàn không rõ nguồn gốc và thành phần để điều trị tiểu đường. Sau khi uống 4 viên, bệnh nhân thấy mệt mỏi, nôn và buồn nôn, kích thích vật vã, khó thở và được người nhà đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã hướng tới nghi ngờ ngộ độc Phenformin nên nhanh chóng xử trí lọc máu liên tục, thở máy, duy trì thuốc vận mạch, cân bằng kiềm toan và điện giải. Mẫu thuốc của bệnh nhân uống đã được giám định tại Viện Pháp Y cho kết quả dương tính với chất Phenformin với nồng độ rất cao.
Điều đáng nói, Phenformin đã bị cấm sử dụng để điều trị tiểu đường trên thế giới và ở Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lý do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm dẫn đến suy thận nặng, tỷ lệ tử vong do ngộ độc trên 60%.
Cẩn trọng thuốc nam “3 không”
BS. Vũ Minh Đức, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay: “Hiện nay thuốc nam được bán tràn lan trên mạng, để tạo lòng tin với khách hàng, các loại thuốc này thường được gắn mác gia truyền kiểu “nhà tôi 3 đời” và cam kết hiệu quả 100%.
Tuy nhiên, các loại này đều “3 không”: Không rõ nguồn gốc; không rõ thành phần; không rõ bằng chứng hiệu quả lâm sàng. Việc sử dụng các loại thuốc này vô cùng nguy hiểm. Bản chất thuốc sẽ đào thải qua gan và thận, vì thế việc sử dụng kéo dài có thể dẫn tới suy 2 cơ quan này”.
Ông Đức khuyến cáo: “Người dân cần phải tỉnh táo tránh sử dụng các loại thuốc “nhà tôi 3 đời” nhưng lại 3 “không”. Bác sĩ khi kê đơn cho bệnh nhân cũng không dám khẳng định thuốc đó có thể khỏi 100% bệnh. Vì vậy, những quảng cáo thuốc gia truyền và cam kết khỏi bệnh 100% là vô lý, thổi phồng sự thật, chưa kể tới việc uống có thể nguy hiểm cho tính mạng”.
BS. Nam cho biết thêm: “Thuốc nam ở các cơ sở chính thống, gia truyền từ xưa được Bộ Y tế cấp phép thì rất tốt. Tuy nhiên cũng có cơ sở không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan trên mạng thì người dân tuyệt đối không nên sử dụng bởi có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Người bệnh nên đi khám ở các cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép để các bác sĩ theo dõi sát tình trạng bệnh. Người bệnh cũng cần lưu ý, sau khi điều trị các triệu chứng đã ổn định cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ”.
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với tình trạng loạn “thần y” tự xưng trên mạng xã hội quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, hoạt động khám, chữa bệnh không phép.
Vũ Vũ
https://www.baogiaothong.vn/lien-tiep-ca-ngo-doc-thuoc-nam-dan-den-suy-gan-than-d501787.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Thời sự xã hội - 18/10/2024
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa
Thời sự xã hội - 17/10/2024
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa