Người nghi mắc Covid-19 đi khám được xử trí thế nào mới đúng quy định
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho hay, Bộ Y tế cũng như ngành y tế TP. Hà Nội đã có hướng dẫn các cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) về cách xử trí khi có trường hợp liên quan vùng dịch hoặc ca nghi ngờ Covid-19 (ho, sốt, khó thở,…) tới thăm khám.
Theo đó, tất cả cơ sở y tế phải ghi lại thông tin đầy đủ (tên tuổi, số điện thoại liên lạc, nơi ở,…) và báo cáo ngay cho Trạm y tế, Trung tâm y tế trên địa bàn để triển khai xác minh, quản lý và cách ly kịp thời.
Ông Trung phân tích, theo quy định, các bệnh viện, phòng khám đa khoa đều có vùng đệm (khu cách ly tạm thời) để lưu giữ người bệnh thuộc diện nghi ngờ mắc Covid-19. Khi bệnh nhân tới cơ sở y tế, sau khi khai báo sẽ được mời đi theo lối riêng, vào khu vực thăm khám riêng và phòng chờ.
Trong quá trình này, cơ sở y tế phải thông tin cho y tế địa phương để tiến hành các bước xử lý tiếp theo: chuyển cách ly tập trung hoặc chuyển cách ly tới bệnh viện tiếp nhận điều trị Covid-19.
Với những cơ sở y tế diện tích chật hẹp (như phòng khám răng hàm mặt) hoặc trường hợp bệnh nhân không hợp tác, tự ý bỏ về, bệnh viện/phòng khám cũng cần báo cáo ngay để Trung tâm Y tế địa phương giám sát ca bệnh.
Ông Trung dẫn lại vụ việc lùm xùm trong những ngày gần đây của Phòng khám ĐKQT Thu Cúc (số 216 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), khi cơ sở này từ chối tiếp nhận, “tư vấn về” với một trường hợp có yếu tố nghi mắc Covid-19 (bệnh nhân 3633, Sống tại tòa nhà Center Point, 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân).
Theo đó, nếu đúng hướng dẫn, phòng khám phải trực tiếp thông báo về ca bệnh này cho Trung tâm Y tế Cầu Giấy, thay vì “đẩy” việc này đến cho người dân. Thực tế, bệnh nhân 3633 sau đó không khai báo, tiếp tục đi làm, gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
“Khi không báo tin cho Trạm Y tế, Trung tâm Y tế địa phương, cơ sở khám chữa bệnh đã vi phạm quy định của Bộ Y tế cũng như thành phố Hà Nội”, ông Trung nói.
VietNamNet đặt vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 có thể khiến bệnh viện, phòng khám bị phong tỏa, ảnh hưởng tới doanh thu, nhất là với y tế tư nhân.
Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, theo quy định, tất cả cơ sở y tế đều phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, từ khâu tiếp đón, sàng lọc tới khâu khám, phân loại.
“Bộ Y tế đã có hướng dẫn kỹ, trường hợp phát hiện có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng sẽ được đi lối riêng, đưa vào khu cách ly riêng, nên việc ảnh hưởng đến khu khám chung, tới bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khác rất khó”, ông Trung chia sẻ.
Được biết, các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, bao gồm cả cơ sở tư nhân đều được Sở Y tế Hà Nội nhiều lần hướng dẫn, tập huấn về cách xử trí khi có ca nghi nhiễm Covid-19 tới thăm khám. Ngoài tập huấn tập trung thời điểm dịch chưa bùng mạnh, các công văn, văn bản hướng dẫn cũng liên tục được gửi đi.
Bởi vậy, theo ông Trung, “không một cơ sở y tế nào chưa biết hoặc chưa nắm được quy định”.
“Để tránh dịch lây lan mạnh, chúng ta phải chung sức với toàn ngành y tế và chính quyền. Chỉ riêng Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố không thể ngăn chặn dịch, mà toàn bộ cơ sở y tế cả công lập và tư nhân, các nhà thuốc, người dân cũng phải chung tay”, ông Trung nói.
Ngày 13/5, Sở Y tế Hà Nội phát đi công văn hỏa tốc, gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cùng 30 Trung tâm Y tế quận/ huyện/thị xã. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh đặt cảnh báo phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo. Trong đó, các cơ sở cần tăng cường cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại các khoa, phòng, bộ phận, lưu ý khu cách ly tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh dương tính phải được kiểm soát chặt chẽ; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đặc biệt, Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi ngờ đến khám. Đồng thời, tổ chức vùng đệm (khu cách ly tạm thời) để quản lý người bệnh đi từ vùng dịch, ca bệnh nghi ngờ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm; sẵn sàng đảm bảo vật tư, trang thiết bị, thuốc ...để phục vụ người bệnh theo các tình huống dịch. |
Hải Nam
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh