Người Việt bỏ tiền túi cho y tế cao gấp đôi khuyến cáo
"Đây là tỷ lệ khá cao so với nhiều nước. Tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ này chỉ 24%. Chi tiền túi cao khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa hoặc tái nghèo sau điều trị", ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết tại hội thảo về cơ chế tài chính trong chăm sóc sức khỏe, ngày 6/4.
Mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần một năm với số tiền bình quân 129 USD một người (tương đương 3 triệu đồng), trong đó 35-37% là tiền thuốc (khoảng 1,1 triệu đồng). Việt Nam có gần 91% người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, dù có thẻ BHYT, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43-44%.
Với mức chi này, Việt Nam đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar, dưới Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia.
"Mục tiêu đến năm 2025, mức chi tiền túi từ hộ gia đình giảm xuống còn dưới 35% và đến năm 2030 còn dưới 30%. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn, vài năm qua chưa có thay đổi nhiều", ông Khảm nói.
Theo ông Khảm, để giảm chi tiền túi, người dân cần điều chỉnh tăng mức đóng để mở rộng hơn nữa phạm vi chi trả, mở rộng quyền lợi khi khám chữa bệnh. Tăng mức đóng có thể từ nguồn nhà nước hỗ trợ, nguồn thu nhập doanh nghiệp và từ tiền lương của người dân. Mức đóng BHYT hiện tại là 4,5% lương cơ sở.
"Tăng lên bao nhiêu phần trăm lương cơ sở, tăng đối tượng nào trước, cần có nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình", ông Khảm nói.
Ông Khảm cũng nhấn mạnh khi tăng mức đóng phải kiểm soát chi tiêu hiệu quả tại các bệnh viện. Hiện, BHYT đang chi trả theo phí dịch vụ, tức bệnh nhân dùng dịch vụ nào trả dịch vụ đó. Song, phương thức này luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng chi phí do các cơ sở y tế luôn cố gắng cung cấp thật nhiều dịch vụ để lấy tiền từ BHYT.
Từ ngày 1/7, Bộ Y tế sẽ áp dụng phương thức chi trả theo chẩn đoán với bệnh nhân nội trú, xác định trước số tiền cho mỗi chẩn đoán bệnh. Khi đó, bác sĩ sẽ cân đối chỉ định để sử dụng dịch vụ hợp lý nhất, tiết kiệm chi phí. Vừa qua, mô hình này đã được Bộ Y tế thí điểm tại các tỉnh như Quảng Ninh, Yên Bái, Cần Thơ, hiệu quả tốt.
Chuyên gia tài chính y tế từ WHO nhận định, cách đây 10 năm, mức bao phủ BHYT của Việt Nam chỉ 50% và mức chi tiền túi khoảng 49%. Hiện, mức bao phủ đã đến 91%, chi tiền túi của người dân phải giảm tương ứng, song thực tế đang giảm rất chậm, thậm chí tăng nhẹ lên gần 45% trong năm 2020.
Quỹ BHYT của Việt Nam đang sử dụng chưa hợp lý, có tình trạng "tiền ít nhưng tiêu hoang". Việc xem xét tăng mức phí cũng là một giải pháp nhưng tăng mức đóng mà không sử dụng dịch vụ hợp lý thì cũng vô nghĩa, chuyên gia này nhận định.
Hiện nay, nhiều người dân mắc bệnh thông thường cũng đến các bệnh viện lớn khám chữa bệnh, làm tăng chi phí y tế. Song, không thể đổ lỗi do người dân thích dồn lên tuyến trên, bởi thực tế nhiều thuốc thiết yếu ở tuyến dưới không đủ, trong khi bệnh viện tuyến trên thì luôn có sẵn. Do đó, người dân sẵn sàng vượt tuyến.
Trung bình mỗi năm, quỹ BHYT của Việt Nam đang chi khoảng 100.000-120.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Bốn năm qua, mức thu đang thấp hơn mức chi, nhà nước phải dùng đến quỹ dự phòng để duy trì hoạt động. Nay, số tiền trong quỹ này còn khoảng 35.000 tỷ đồng.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh