Đêm qua, người dân vùng lũ Lệ Thủy phải thức trắng để kê dọn, đưa đồ đạc lên cao tránh lũ. Đáng nói, cách đây 1 năm, người dân cũng trong tình cảnh tương tự khi đón đợt mưa lũ lịch sử gây thiệt hại rất nặng.
Ông Nguyễn Lâm ở thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, chiều tối 17/10 nước lên chậm nhưng khoảng nửa đêm lên rất nhanh, gây ngập nhiều nơi. Nhờ chủ động tình huống và có nhiều kinh nghiệm nên trước đó bà con đã đưa phương tiện, những vật dụng dễ khiêng vác đi giữ ở nơi cao hoặc nhà cao rồi kê dọn vật dụng nhỏ trong nhà lên các sàn, gác lửng trong nhà. Nhiều nhà hàn giá sắt chắc chắn để kê lúa gạo, tủ lạnh lên cao. Người không di chuyển thì buộc xe máy lên mái nhà tránh ngập nước. Một số khác đã làm bè nổi bằng chuối hoặc kết từ các ống nước rồi đưa xe máy, gia súc, gia cầm lên.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến 8 giờ sáng nay, nước lũ đã làm 25 thôn bản tại 4 huyện bị chia cắt; có 1.330 ngôi nhà bị ngập, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Lệ Thủy với 1.076 nhà, ngập từ 0,2m-0,5m.
Từ chiều và đêm qua, các địa phương ở Quảng Bình đã di dời 136 hộ với 542 người ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, 50 người các chốt, trạm bảo vệ rừng và 25 công nhân tại công trường Nhà máy thủy điện La Trọng đến nơi an toàn.
Đặc biệt, lũ đã làm 2 người trong tỉnh mất tích, là ông Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1970, ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) đi thuyền ra kiểm tra hồ tôm bị chìm đò, mất tích và anh Hồ Văn Sửu (sinh năm 1997, ở Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) mất tích khi đi qua suối. Hiện, chính quyền và thân nhân gia đình đang tìm kiếm.
Sáng nay, mưa tại Quảng Bình vẫn đang to, nước các sông trên địa bàn tiếp tục lên, dự kiến xảy ra lũ lụt trên diện rộng toàn tỉnh.