Quản lý con người không phải quản trị cỗ máy

Vụ việc 221 cán bộ, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai thôi việc, tinh giảm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài ngành Y.

Với trên 4.000 y, bác sĩ, người lao động làm việc, mỗi ngày có hơn 6.000 bệnh nhân khám và điều trị, cùng đội ngũ bác sĩ ưu tú, chuyên gia đầu ngành - Bệnh viện Bạch Mai có quy mô vào loại hàng đầu trong các cơ sở y tế tại nước ta.

Quản lý con người không phải quản trị cỗ máy; quản lý tại Bệnh viện Bạch Mai nói chung, đội ngũ bác sĩ tài năng tại đây nói riêng đòi hỏi những biện pháp trên cơ sở tầm nhìn sáng tạo, trí tuệ, nhân văn.

Trước hết là an dân!

Ngày 25/9/2020, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu giám đốc, cựu phó giám đốc, cựu kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai. Cá nhân sai phạm phải chịu trách nhiệm, nhưng nội bộ khó tránh khỏi xôn xao. Đảng bộ, ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cần sâu sát tình hình đơn vị, làm tốt công tác tư tưởng, động viên mọi người an tâm làm việc. Hàn gắn những đứt gãy (nếu có), thông tin đầy đủ, kịp thời. Tuyệt nhiên không làm cho cán bộ, người lao động trong đơn vị lo lắng, trăn trở, buồn phiền.

Bão giông trong cơ quan, nếu lãnh đạo khéo tổ chức, biết an dân - sẽ xuất hiện cơ hội, đó là nguồn lực tiếp tục phát triển đơn vị, đáp ứng mong mỏi của công chức, viên chức, nền tảng quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Áp lực từ đổi mới phải tích cực!

Theo Bệnh viện Bạch Mai, có bốn lý do dẫn đến thôi việc, trong đó có lý do vì áp lực đổi mới. Chuyển từ áp lực phi tích cực sang tích cực vừa là mục tiêu, phương pháp quản lý, vừa là nghệ thuật của lãnh đạo. Kiên trì thuyết phục, truyền khát vọng đổi mới đến cán bộ, người lao động trong đơn vị, kiến tạo sự đồng thuận, từng bước tập hợp nguồn nhân lực vận hành đồng bộ trên quỹ đạo phát triển - đó là quản trị con người.

Cần xây dựng lộ trình đổi mới trên cơ sở bàn bạc trong tập thể, có chương trình hành động phù hợp từng thời kỳ, chia sẻ quyền lực và trách nhiệm (cả với những người, nhóm người có khác biệt). Ai cũng muốn được tôn trọng, cống hiến, ghi nhận. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ cũng không ngoại lệ.

Khi lãnh đạo nối vòng tay lớn, anh em sẽ cuốn theo lửa đổi mới! Thay đổi có chậm nhưng bền vững. Trong mua sắm, tu sửa cơ sở vật chất, xây dựng mới - nhạy cảm lắm! Lãnh đạo hãy công khai, minh bạch, thể hiện sự trong sáng - mọi người dần tin tưởng. Có niềm tin, anh em dẫu vất vả, thu nhập có ít đi (vì dịch bệnh do Covid-19) cũng không thấy mệt mỏi, căng thẳng, nói gì đến chuyện xin chuyển công tác hay thôi việc.

Chăm lo cho người lao động!

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy - đặc biệt thận trọng - bởi, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, hạnh phúc của người lao động. Có một công việc tại Hà Nội đã khó, có công việc tại Bệnh viện Bạch Mai, khó hơn. Với cán bộ, người lao động có nhiều năm làm việc, không thể một sớm, một chiều tìm được công việc khác. Quản trị giỏi, những quyết định quản lý chính xác là kết quả của suy nghĩ chính chắn, hòa quyện với tình yêu thương đồng nghiệp.

Thông báo cho nghỉ việc trước 5 ngày, nếu đúng như vậy, tình không thấu mà lý cũng chẳng đạt. Giá cả đắt đỏ, nản lòng vì mất việc, khi người lao động rơi vào tình cảnh “nghỉ hoàn toàn”, hỗ trợ 3 tháng lương, sau đó sống thế nào đây? Nếu họ thuộc diện phải cho nghỉ, biện pháp hỗ trợ là gì? Lãnh đạo đơn vị, với quan hệ của mình, có thể giúp anh em tìm được công việc mới hay không? Với bác sĩ, chuyên gia giỏi, khi chọn ra đi, lãnh đạo hãy chân thành thuyết phục, tôi tin, nhiều người trong số đó sẽ ở lại.

Kỷ luật - đúng, nhưng không cứng nhắc!

Việc cán bộ, người lao động vi phạm kỷ luật, tùy mức độ, theo các quy định hiện hành mà xử lý. Tuy nhiên, không quá cứng nhắc, không quy kết sự liên đới tập thể có người vi phạm một cách máy móc. Thay đổi nếp cũ đã lạc hậu là cần thiết, nhưng, nôn nóng - duy ý chí, khi quán tính cũ còn lớn - nguồn cơn của mâu thuẫn. Trạng thái đó có thể mang tới sự phát triển nhưng nội bộ luôn căng thẳng. Hệ quả là, săm soi từ hai phía (lãnh đạo và thuộc cấp) đẩy người đứng đầu vào thế khó, luôn thấy áp lực trong công việc, khoảng cách với anh em trong đơn vị tăng lên. Với môi trường như Bệnh viện Bạch Mai, cần biện pháp sâu sắc, mềm mỏng, kỷ cương phù hợp với đặc điểm cá nhân, tổ chức.

Mọi người cần hợp tác!

Ban lãnh đạo, người đứng đầu cũng cần được cán bộ, người lao động thấu hiểu và hợp tác. Khi có ý kiến khác biệt, cần thẳng thắn đóng góp. Đảng bộ, các đoàn thể trong cơ quan thực hiện đúng chức năng, vai trò của mình, tuân thủ những quy định, quy chế. Chẳng hạn, quy chế thực hiện dân chủ cơ sở, nếu làm tốt, môi trường làm việc thân thiện, mọi người biết sống vì nhau, tôn trọng sự khác biệt, thấm đậm giá trị “lương y như từ mẫu”.

Hy vọng những lùm xùm tại Bệnh viện Bạch Mai mấy ngày gần đây, lãnh đạo bác sĩ, người lao động sẽ tìm được tiếng nói chung.

Từ Nhà thương Cống Vọng, rồi Hospital de René Robin, và nay là Bệnh viện Bạch Mai - 110 năm ấy và mãi sau này hãy xứng đáng với danh hiệu và sứ mạng cao cả.

TS Nguyễn Hoàng Chương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Thời sự xã hội - 18/10/2024

Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Thời sự xã hội - 17/10/2024

Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới