Sớm ổn định cuộc sống người dân sau mưa lũ ở Nghệ An

Tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 4 gây ra, sớm ổn định cuộc sống người dân.
Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ giúp người dân xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương vệ sinh môi trường sau mưa, lũ. (Ảnh XUÂN HOÀNG)
Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ giúp người dân xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương vệ sinh môi trường sau mưa, lũ. (Ảnh XUÂN HOÀNG)

 

Trước tình hình lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn đối với người và tài sản của người dân, huyện Kỳ Sơn đề xuất với tỉnh Nghệ An kịp thời hỗ trợ hàng hóa và nhu yếu phẩm cần thiết khác để giúp địa phương, người dân sớm vượt qua thiên tai.

DO ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, từ 22 giờ ngày 1/10 đến 6 giờ ngày 2/10 trên địa bàn Kỳ Sơn xảy ra đợt mưa lớn, kéo dài; lượng mưa đo được hơn 190mm, gây lũ ống, lũ quét và ngập cục bộ nhiều nhà dân, cơ quan đóng trên địa bàn thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ. Trận lũ ống, lũ quét bất ngờ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, làm một cháu bé bị tử vong ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ; cuốn trôi 13 ngôi nhà của người dân ở một số bản của xã Tà Cạ. Nhà làm việc của Công an xã Tà Cạ cũng bị sập hoàn toàn.

Có 50 nhà ngập nước, trong đó 24 nhà ngập hư hỏng nặng và 19 nhà bị sạt lở. Mưa lũ cũng làm ngập nhiều tài sản có giá trị; cuốn trôi hai ô-tô. Hiện tại, đường giao thông vào xã Tà Cạ và Tây Sơn bị ách tắc hoàn toàn; trong đó bản Hòa Sơn và bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) bị cô lập hoàn toàn chưa thể tiếp cận được... Tính đến chiều tối 2/10, nước vẫn chảy xiết, huyện Kỳ Sơn đã huy động tổng lực người và phương tiện, máy móc để san gạt điểm sạt lở, mở đường cho người dân đi lại, khắc phục thiệt hại.

Nhiều hộ dân đã sống hàng chục năm ở xã Tà Cạ cho biết, chưa bao giờ thấy trận lũ ống, lũ quét nào kinh hoàng như thế. Cơn lũ dữ đã cuốn đi rất nhiều tài sản của bà con. Dù nhìn thấy tài sản trôi theo dòng nước, nhưng ai nấy đều bất lực trước dòng nước cuồn cuộn chảy.

Anh Xồng Bá Cha, ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ kể lại thời điểm lũ về lúc nửa đêm về sáng, cả gia đình đang say giấc, bỗng nghe tiếng động lớn ầm ầm, vội mở cửa ra thì thấy nước cuốn theo đất đá, cây cối chảy cuồn cuộn trước cửa. Rất may là gia đình chỉ thiệt hại một số ít tài sản. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng “4 tại chỗ” của địa phương và người dân cùng nhau hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại. “Sáng 2/10, tôi cùng mọi người trong bản hỗ trợ các gia đình khác khắc phục hậu quả lũ, tuy nhiên, việc hỗ trợ này gặp nhiều khó khăn bởi một số nhà bị bùn đất vùi lấp quá dày...”, anh Xồng Bá Cha cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết: Ngay trong sáng 2/10, UBND huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung huy động các lực lượng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ khắc phục gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi bị chia cắt; nước, bùn ngập và sạt lở khiến nhiều tuyến đường không thể lưu thông.

Hiện tình hình mưa lũ tại Kỳ Sơn nói chung, nhất là ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ đang rất phức tạp, UBND huyện tiếp tục trực tiếp chỉ đạo địa phương sơ tán người dân đến nơi an toàn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại mưa lũ gây ra; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các đơn vị bảo đảm nhanh nhất thông tuyến giao thông; huyện đã huy động phương tiện máy móc tại chỗ để khơi dòng chảy. Trước mắt huyện tổ chức thăm hỏi các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Do mưa lũ xảy ra đột ngột, cường độ lớn, gây thiệt hại lớn cho địa phương, để giúp người dân phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Kỳ Sơn đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành cấp tỉnh kịp thời cung cấp hàng hóa, vật tư thiết yếu và các nhu yếu phẩm cần thiết khác giúp địa phương, người dân sớm vượt qua khó khăn.

Ngay trong chiều 2/10, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình lũ quét tại huyện Kỳ Sơn. Tại đây, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng của bà con nhân dân; đồng thời yêu cầu huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương sơ tán người dân đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các đơn vị bảo đảm thông tuyến giao thông nhanh nhất; tổ chức thăm hỏi các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Được biết, từ đầu tháng 9/2022, tại địa bàn huyện Kỳ Sơn đã xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất khiến nhiều bản làng bị chia cắt, nhà cửa và tài sản bị hư hỏng; ước tính thiệt hại hơn 100 tỷ đồng…

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn Nghệ An có mưa lớn kéo dài nhiều ngày, gây ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; đặc biệt, xảy ra lũ quét và ngập lụt tại thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ vào rạng sáng 2/10. Trước tình hình đó, Nghệ An đã huy động các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ xuống cơ sở để giúp người dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Với phương châm “4 tại chỗ”, các lực lượng đã tiến hành di dời 1.380 hộ dân, sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân đưa tài sản lên cao; tổ chức ứng trực 24/7 các tuyến đê xung yếu, các hồ đập vách yếu; các đoạn đường bị ngập nước…Tại các huyện bị ngập lũ lụt nặng như Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, thị xã Hoàng Mai…, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có mặt để chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời.

Sau khi nước lũ bắt đầu rút, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã huy động lực lượng tại chỗ cùng bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên… để nước rút đến đâu thau rửa, vệ sinh môi trường đến đó; giúp đỡ các gia đình già cả, neo đơn, gia đình chính sách sửa chữa nhà cửa bị hư hại, vệ sinh nhà cửa bị ngập lụt. Huyện Thanh Chương là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ khi có đến 38 xóm trên địa bàn bị cô lập hoàn toàn, nhiều điểm trường và hơn 1.300 nhà dân bị ngập, 26 nhà dân bị hư hỏng…

Tại xã Thanh Mỹ, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ gây ra, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị Trung đoàn 1 (Sư đoàn 324), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, Công an Trại giam, Đoàn thanh niên ở một số trường THPT trên địa bàn cùng các lực lượng của xã Thanh Mỹ cùng người dân đã triển khai tổng vệ sinh môi trường và giúp đỡ các gia đình bị ngập lụt vệ sinh nhà cửa.

Không chỉ ở xã Thanh Mỹ, nhiều xã khác trên địa bàn các huyện: Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ, thị xã Hoàng Mai… cũng huy động lực lượng của các ban, ngành đoàn thể cùng với bà con nhân dân tổ chức vệ sinh nhà cửa, trường, lớp học, y tế, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường…Cùng với đó, cơ quan điện lực cũng nhanh chóng sửa chữa, khắc phục sự cố để người dân sớm có điện sinh hoạt.

Hiện các trường học ở vùng lũ huy động phụ huynh cùng lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và cán bộ, giáo viên để nước rút ra đến đâu, tổ chức vệ sinh trường lớp đến đó, nhằm đón học sinh đến trường ngay trong những ngày đầu tuần.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến sáng 2/10, mực nước lũ tại các địa phương như vùng hạ lưu Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu… thành phố Vinh, mới chỉ rút được từ 20-50 cm, giao thông vẫn bị chia cắt, người dân chưa thể trở lại cuộc sống thường nhật. Tại xã Châu Nhân (Hưng Nguyên), toàn bộ các xóm 7, 8, 9 và xóm Phú Xuân với 1.100 hộ dân vẫn bị cô lập hoàn toàn.

Chủ tịch UBND xã Châu Nhân Lê Khánh Quang cho biết: Địa phương nằm ở cuối nguồn, lại nằm sát sông Lam, nước từ thượng nguồn vẫn đổ về liên tục những ngày này nên xã vẫn đang bị ngập nặng. Hiện địa phương đã huy động máy cày, thuyền và nhờ ca-nô để vận chuyển người và phương tiện ra vào địa bàn cũng như phát nhu yếu phẩm, nước uống. Nhiều nhà dân ở ven sông Lam băn khoăn, mực nước lũ đã giảm hơn một chút so với hôm qua; tuy nhiên, hiện một số thủy điện vẫn đang xả lũ, từ 1-2 ngày nữa nước lũ sẽ dồn về hạ du, trong khi thời tiết vẫn mưa thất thường, không biết bao giờ nước mới rút hẳn để bà con ổn định cuộc sống....

Phát huy tinh thần, “lá lành đùm lá rách”, nhiều đoàn xe cứu trợ trong và ngoài tỉnh đã và đang đến các vùng lũ để thăm hỏi, động viên tặng quà hỗ trợ cho người dân. Sáng 2/10, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa dẫn đầu đã về thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bà con vùng lũ Thanh Chương.

Đoàn đã đến thăm hỏi, động viên tặng 370 triệu đồng cùng 100 thùng hàng cho các hộ dân bị thiệt hại ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu và Quỳnh Lưu...Thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại hỗ trợ bà con vùng lũ tỉnh Nghệ An 1.000 bình lọc nước trị giá 1,1 tỷ đồng… ■

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Thời sự xã hội - 24/10/2024

Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới