Tại sao phụ nữ TP HCM ngại đẻ?

Áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, mức sống đắt đỏ, cần thời gian cho bản thân... khiến phụ nữ TP HCM chọn sinh ít, hoặc không sinh con.

Chồng và cậu con trai lớn đang học lớp năm thường xuyên bày tỏ "muốn mẹ sinh thêm em", chị Nguyễn Hồng Duyên, 36 tuổi, ở quận Tân Bình chưa đồng ý. Chị cho biết có nhiều nguyên nhân, từ bản thân chị và cả mối quan hệ giữa hai vợ chồng.

Bé Bon càng lớn, anh chị càng nảy sinh bất đồng trong lối sống và nuôi dạy con. Phần lớn việc chăm sóc, dạy con học đều do chị đảm nhận. Chị Duyên muốn con tự lập. Chồng chị lại sẵn sàng chiều mọi yêu cầu của con. Để bảo vệ con, anh mắng ngược lại chị ngay cả khi lỗi sai của bé rõ ràng. Con cậy có bố bênh nên ngày càng đòi hỏi vô lý, mè nheo, lười biếng.

"Vợ chồng mâu thuẫn, người thiệt thòi nhất vẫn là con. Con dễ hư hỏng. Chừng nào chưa dung hòa được lối sống và cách dạy, tôi quyết không sinh thêm" chị Duyên khẳng định.

Một lý do khác khiến chị ngại sinh là bệnh trầm cảm sau sinh từng mắc phải. Hơn một năm đầu đời của Bon, mẹ mất ngủ triền miên, lúc nào cũng bị nỗi ám ảnh con ốm, con khóc bủa vây. Nhiều lúc chồng đi làm, con sốt, khóc ngằn ngặt trên nôi mà chị khó chịu, bực bội, không muốn dỗ dành hay cho con bú. Chị không biết tại sao mình lại sinh con ra, thậm chí có lúc muốn tự tử vì "quá sức chịu đựng". May mắn, chị tự phát hiện ra vấn đề nên chủ động đi khám và điều trị, song nỗi sợ làm tổn hại con vẫn còn.

Gánh nặng về kinh tế cũng là một rào cản lớn của hai vợ chồng. Mỗi tháng, tiền học chính, học thêm, tiền ăn của con khoảng 10 triệu đồng, chiếm gần hết lương của mẹ. Các khoản sinh hoạt phí khác của gia đình trông chờ vào thu nhập 12 triệu từ anh. Số tiền tích lũy chỉ duy trì ở chục triệu đồng. Nếu sinh thêm, chị phải nghỉ làm 6 tháng, trong khi môi trường làm việc cạnh tranh gay gắt. Chị sợ mất việc, sợ không nuôi nổi con, sợ mọi gánh nặng đổ dồn lên vai chồng khiến mâu thuẫn ngày càng nặng nề.

TP HCM đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con trên một phụ nữ, hướng tới 2030 là 1,6 con trên một phụ nữ. Ảnh: Thư Anh.
TP HCM đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con trên một phụ nữ, hướng tới 2030 là 1,6 con trên một phụ nữ. Ảnh: Thư Anh.

Vợ chồng chị Lê Thái Bình, cùng 28 tuổi, có tổng thu nhập một tháng khoảng 40 triệu đồng. Cặp đôi đã khám sức khỏe sinh sản, được bác sĩ tư vấn "đẹp" nhất là sinh con trước tuổi 30. Rất yêu trẻ con nhưng họ chưa có ý định sinh.

Chị Lê chia sẻ, là dân tỉnh lẻ, nhập cư thành công rồi thích nghi được với chi phí đắt đỏ ở Sài Gòn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Mất 6 năm vùi mình vào công việc mới tạm có chỗ đứng và thu nhập ổn định, chị không muốn bỏ lỡ cơ hội làm kinh tế, phát triển nghề nghiệp khi đang có sức khỏe và tuổi trẻ.

Chị tính toán, nếu sinh con, phải mua nhà trước. Hiện giá căn hộ chung cư ngoại thành 60 m2 khoảng 1,5 tỷ, trả trước một nửa. Ngoài chi phí 30-50 triệu cho mang thai, sinh nở, còn tiền sữa bột, bỉm, áo quần, nhà trẻ, tiền dự phòng khi con ốm đau... hàng năm lên tới cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh chị hàng tháng có trách nhiệm chu cấp cho bố mẹ mỗi bên 5 triệu đồng, vì ông bà đã già, bệnh tật. Do đó, cả hai vợ chồng quyết định tích luỹ "hòm hòm" trước.

Những cạm bẫy, rủi ro có thể xảy ra với trẻ như tai nạn giao thông, bắt cóc, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng tình dục, hư hỏng, nghiện ngập... quá nhiều yếu tố tác động đến hành trình trưởng thành của con mà cha mẹ khó lường trước, khiến chị Lê không đủ tự tin đủ khả năng nuôi dạy và bảo vệ con.

"Sinh và nuôi con là trách nhiệm rất nặng nề. Cha mẹ ổn định kinh tế, vững chắc tâm lý mới có thể đảm bảo điều kiện sống tốt cho con", chị Lê nhấn mạnh.

Chị Hoan (không muốn tiết lộ danh tính thật) có 23 năm làm hộ sinh tại phòng khám sản, phụ khoa, cho biết 5 năm trở lại đây, tỷ lệ phụ nữ đã có gia đình đi phá thai tại bệnh viện tuyến thành phố - nơi chị làm việc chiếm phần lớn. Bốn nguyên nhân chủ yếu là mang thai ngoài ý muốn, thai hư, người mẹ đang trong quá trình thăng tiến, quá bận rộn với công việc, hoặc vợ chồng đã có một con nhưng khó nuôi, chưa muốn sinh thêm.

"Phụ nữ ngày nay chủ động, kiên quyết và có kiến thức hơn rất nhiều khi tìm biện pháp tránh thai và bỏ thai. Những trường hợp này khó thuyết phục họ giữ lại em bé", chị Hoan nói.

Theo ông Phạm Chánh Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, tính đến tháng 4/2019, TP HCM gần 9 triệu người, có quy mô và mật độ dân số cao nhất Việt Nam. Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh tại thành phố giảm liên tục từ năm 2000 đến nay và đang thấp nhất cả nước. Năm 2019 mức sinh là 1,39 con trên mỗi phụ nữ. Năm 2020, theo dự báo chưa chính thức, mức sinh có thể tăng lên 1,53 con.

"Tổng tỷ suất này vẫn rất thấp và còn một chặng đường dài đầy khó khăn để đạt mục tiêu 2 đến 2,1 con trên một mẹ", ông Trung cho biết.

Ông Trung cho rằng, TP HCM đang đối mặt với hai bài toán dân số cùng lúc, gồm mức sinh thấp và nguồn lực lao động. Với tình trạng mức sinh thấp, căn cơ nhất là khuyến sinh, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Khi mức sinh tăng, dân số tăng thì sẽ bài toán nguồn lực lao động trong tương lai sẽ được giải. Còn hiện tại, thành phố vẫn đang duy trì nhiều chính sách thu hút nguồn lao động từ các địa phương khác, nên tạm đủ nhân sự lao động.

Với thực trạng mức sinh quá thấp, ông Trung lo ngại hệ luỵ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Tương lai, TP HCM phải đối mặt với thiếu hụt nguồn nhân lực, giảm quy mô tiêu dùng, tiết kiệm. Đây chính là rào cản cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để kích cầu mức sinh, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đã tham mưu Sở Y tế và UBND thành phố hai chính sách, gồm dự kiến sẽ đồng chi trả viện phí với các cặp vợ chồng sinh con thứ hai, sau khi đã trừ chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán và hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Thư Anh

Tin lên quan

Đọc tiếp cùng chuyên mục

TP.HCM: 4 công nhân sửa cáp ngầm bị bỏng điện nặng, trong đó 1 ca bỏng 80% vùng đầu

TP.HCM: 4 công nhân sửa cáp ngầm bị bỏng điện nặng, trong đó 1 ca bỏng 80% vùng đầu

Thời sự xã hội - 10/05/2024

TP.HCM: 4 công nhân sửa cáp ngầm bị bỏng điện nặng, trong đó 1 ca bỏng 80% vùng đầu

Bắc Giang: Nhảy xuống hố nước cứu 2 cháu, cả 3 ông cháu tử vong

Bắc Giang: Nhảy xuống hố nước cứu 2 cháu, cả 3 ông cháu tử vong

Thời sự xã hội - 10/05/2024

Bắc Giang: Nhảy xuống hố nước cứu 2 cháu, cả 3 ông cháu tử vong

Một công nhân tử vong vì kẹt trong cối xay giấy

Một công nhân tử vong vì kẹt trong cối xay giấy

Thời sự xã hội - 08/05/2024

Một công nhân tử vong vì kẹt trong cối xay giấy

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: Chuyển một ca ngộ độc rất nặng về TP.HCM điều trị

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: Chuyển một ca ngộ độc rất nặng về TP.HCM điều trị

Thời sự xã hội - 06/05/2024

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: Chuyển một ca ngộ độc rất nặng về TP.HCM điều trị

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: Chủ tiệm xài ké giấy phép kinh doanh

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: Chủ tiệm xài ké giấy phép kinh doanh

Thời sự xã hội - 04/05/2024

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: Chủ tiệm xài ké giấy phép kinh doanh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới