Thích ăn nem chạo, thịt lợn sống, người đàn ông nguy kịch vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận nam bệnh nhân Đ.V.T, 39 tuổi, đến từ Nghệ An, mắc bệnh gout đã 7 năm và điều trị thuốc không thường xuyên. Bệnh nhân có sở thích hay ăn nem, chạo, thịt lợn sống.
Bốn ngày trước khi nhập viện, gia đình anh T mua lòng lợn ở ngoài chợ về ăn. Một ngày sau, anh T sốt 39-40 độ, mệt nhiều. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư chẩn đoán sốt virus, kê đơn hạ sốt. Tuy nhiên, sau dùng thuốc, tình trạng không cải thiện và xuất hiện các ban toàn thân.
Bệnh nhân tới khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An trong tình trạng sốt cao liên tục, xuất hiện ban hoại tử tăng dần vùng đầu chi, mũi mặt. Các bác sĩ chẩn đoán anh T nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và nhanh chóng chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định nhiễm khuẩn huyết do S.suis, trên nền gout và được chỉ định đặt ống nội khí quản thở máy.
Ths. BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, phải can thiệp thở máy, lọc máy… Hiện tại, bệnh nhân đã thoát được cơn nguy kịch. Tuy nhiên các đầu chi ngón tay, ngón chân đã bị hoại tử.
Ngày 31/10, bệnh nhân được chuyển sang khoa Ngoại Chấn thương, chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để phẫu thuật tháo khớp các chi hoại tử ở tay và chân.
BS Phạm Văn Tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống cho biết: "Sau khi hội chẩn, bệnh nhân đã được mổ cấp cứu để loại bỏ phần hoại tử. Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ 2 bàn chân và phần ngón tay ở 2 bàn tay. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển trở lại khoa Hồi sức tích cực để điều trị tiếp".
Để phòng bệnh liên cầu lợn, theo Ths. BS Phạm Văn Phúc, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Đặc biệt phải nấu chín thịt lợn khi ăn, tuyệt đối không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn; dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.
Nhiễm S.suis ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết...
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết
Thời sự xã hội - 21/01/2025
Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Thời sự xã hội - 02/12/2024
Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao