Thủ tướng thị sát điểm nóng về dịch Covid-19 tại quận Thanh Xuân

Chiều 31/8, sau khi đi kiểm tra đột xuất, không báo trước về công tác phòng, chống dịch tại địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có buổi họp trực tuyến với Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội và toàn bộ các xã, phường, quận, huyện trên địa bàn Thủ đô ngay tại điểm cầu trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 tại quận Thanh Xuân. (Ảnh TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 tại quận Thanh Xuân. (Ảnh TRẦN HẢI)

Tại điểm cầu TP Hà Nội có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Trước khi họp trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch ở một số điểm nóng về dịch bệnh trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhất là phường Thanh Xuân Trung. Tại những nơi này, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra giấy phép đi đường, khai báo y tế của một người dân và một nhân viên giao hàng; kiểm tra, thăm hỏi tình hình phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân; động viên, chia sẻ với thành viên tổ Covid cộng đồng đang thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn phường. 

Kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch, trực lãnh đạo tại trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng đã trực tiếp yêu cầu các cán bộ lãnh đạo gọi điện trực tiếp vào các số điện thoại hỗ trợ người dân về y tế, bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp thực phẩm để kiểm tra việc sẵn sàng phục vụ, giải đáp thắc mắc của người dân. Thủ tướng cũng kiểm tra rất kỹ về tổ chức, nhân sự của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, công tác ứng trực phòng chống dịch của phường; việc quán triệt, nắm bắt tinh thần các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, cũng như công tác hỗ trợ người dân tại những điểm nóng về dịch bệnh trên địa bàn...     

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất giấy phép đi đường và các biện pháp phòng dịch của một nhân viên giao hàng trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất giấy phép đi đường và các biện pháp phòng dịch của một nhân viên giao hàng trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố cần phổ biến các văn bản, Công điện của Thủ tướng xuống phường, xã. Phường cần rút kinh nghiệm việc thiếu cán bộ trực giải quyết nhiệm vụ tại trụ sở UBND phường; việc có Ban Chỉ đạo nhưng chưa có quy chế làm việc. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu lấy xã, phường là pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ. Tư tưởng chỉ đạo này là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 

Lãnh đạo Quận ủy Thanh Xuân cho biết, quận xác định đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành phố, người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác phòng, chống dịch. Quận chỉ đạo phường lên danh sách một số mặt hàng thiết yếu như gạo, mắm, muối, dầu ăn, thịt lợn, gà, bò, rau xanh… có kèm theo giá bán. Ban quản lý chợ sẽ tổng hợp lại nhu cầu cho người dân. Quận còn tích cực kết nối nông dân ngoại thành để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn. Quận cũng chuẩn bị ba khu cách ly, hiện đã kích hoạt được hai khu; tiếp tục có giải pháp bóc tách F0, F1, giãn dân; bảo vệ “vùng xanh” mỗi khu dân cư….    

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung là không rõ nguồn lây, có thể còn có nguồn lây khác; dịch bệnh ở Hà Nội như nhiều đốm lửa nhỏ, nếu không kiểm soát tốt sẽ thành đám cháy lớn. Công cuộc phòng, chống dịch ở Hà Nội còn khó khăn, người đi ra đường rất đông. 

Đối với phường Thanh Xuân Trung có mật độ dân cư đông, nhất là khu tập thể, dễ lây nhiễm, do đó phường vẫn phải thực hiện nghiêm việc giãn cách, "ai ở đâu ở đó", không ra khỏi nhà, gần như là giới nghiêm những khu vực liền kề với ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi. Chúng ta xác định vùng nguy cơ cần rộng hơn. Lưu ý phải rà soát các đối tượng, đối tượng nào được ra khỏi nhà, đối tượng nào không nên; nên giao cơ quan công an, chính quyền các cấp quản lý việc này, bảo đảm việc ra khỏi nhà là có lý do chính đáng. Nên thiết lập các trạm y tế lưu động, phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong bối cảnh hiện nay. 

Về tiêm chủng, nên đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Cần ưu tiên tối đa tiêm cho khu nội đô. Đối “vùng đỏ”, “vùng cam” thì cần tiêm cho tất cả người 18 tuổi trở lên. Pháo đài là nơi gần dân, sát dân nhất, do đó quận, phường thực hiện giãn cách nghiêm; bảo đảm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Xét nghiệm toàn bộ, xét nghiệm thần tốt; bảo đảm dịch vụ y tế gần dân nhất; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Riêng ngày nghỉ, tất cả các cơ sở y tế, lực lượng y tế vẫn hoạt động tối đa 100% công suất. Chúng ta cần hướng dẫn cho người dân cách tự xét nghiệm tại nhà.  

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, thành tích vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội vừa qua. Nêu rõ, có được kết quả đó là nhờ cấp uỷ, chính quyền TP Hà Nội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, sự tham gia, ủng hộ, hưởng ứng, chia sẻ của người dân Thủ đô; khẳng định, thành quả chống dịch là thành quả của nhân dân. Thắng lợi là thắng lợi của nhân dân. Nhân dân ở xã, phường, thị trấn; xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất. Chúng ta xác định chủ trương lấy xã phường làm “pháo đài” chống dịch là đúng đắn.

Nêu rõ, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người dân Hà Nội ra đường vẫn rất đông, do đó Thủ tướng cho rằng, đang thực hiện Chỉ thị 16 thì như vậy là chưa đạt kết quả. Qua kiểm tra cho thấy, Hà Nội có thể kiểm soát được, nhưng nếu như tình hình phức tạp hơn, diễn biến xấu như các tỉnh, thành phố phía nam sẽ bị động, lúng túng, có thể cả bất ngờ. Phường Thanh Xuân Trung một tháng qua chưa có Bí thư cấp ủy là không được. Khuyết điểm này thuộc về quận Thanh Xuân. Phường có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch nhưng lại không có quy chế làm việc là không được. Kiểm tra đột xuất cho thấy, cảm giác người trực không có tại trụ sở UBND phường. Ba biểu hiện này là chưa ổn. Phường Thanh Xuân Trung đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh ở Hà Nội, người chỉ huy là Bí thư cấp ủy lại chưa có là chưa ổn. Do đó phải khắc phục ngay những tồn tại này. 

Ở xã phường thì phòng dịch vẫn là cơ bản khi vaccine chưa phủ hết 70% dân số. Phải vận động, kêu gọi, thuyết phục người dân tham gia công tác phòng, chống dịch. Đây vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người dân, bảo vệ sức khoẻ của chính mình, cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Khi đã quyết định giãn cách xã hội như chúng ta đang làm thì phải quyết liệt, chặt chẽ hơn; không "chặt ngoài, lỏng trong". Xã phường phải làm việc này và làm nghiêm. Không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”.

Chúng ta phải nhận thức rằng, thực hiện giãn cách xã hội là hy sinh nhiều việc thì đổi lại được gì.  Do đó cần tách nguồn lây để có phương án chăm sóc, điều trị. Xã phường phải tổ chức xét nghiệm theo hướng dẫn. Phải làm thần tốc, thu hẹp chu kỳ. Xã phường thu dung, chăm sóc, điều trị nhanh nhất có thể, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, sớm nhất đến cơ sở. Điều này có tác dụng người bị nhiễm nhanh chóng tiếp cận y tế để giảm tử vong. Khi ta phân loại thì không ùn tắc, quá tải tuyến trên, người dân cũng yên tâm vì được chữa trị sớm. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 tại ngõ 328 Nguyễn Trãi ( Hà Nội).
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 tại ngõ 328 Nguyễn Trãi ( Hà Nội).

Cần có phương án tăng cường trạm xá lưu động. Phường có thể tìm trường học, trung tâm văn hoá, trường đại học, khu lưu trú du lịch chưa sử dụng... Xã, phường phải bảo đảm an sinh xã hội; không ai thuộc, nắm dân bằng xã, phường, thị trấn; tổ chức tiêm vaccine kịp thời, khoa học, hiệu quả, an toàn. Không nhất thiết đưa lên quận; phải bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân, an dân. Do đó cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể phải làm công tác này; phải chủ động bảo đảm một số nguồn lực "4 tại chỗ", chuẩn bị ở mức cao hơn khi tình huống cao hơn xảy ra, không để lúng túng, bị động. Thành phố cần tập huấn nguồn nhân lực. Chuẩn bị các điều kiện phù hợp cho phong toả như an sinh xã hội, an dân. Tăng cường công tác truyền thông để người dân an toàn, tin tưởng, tham gia phòng, chống dịch tốt hơn. 

Thành phố phải bảo đảm lưu thông hàng hoá. Phải bảo đảm an toàn để sản xuất với phương thức "3 tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến"...; tăng cường kiểm tra, giám sát. Thành phố, quận huyện giúp đỡ xã phường về nguồn lực con người, vật chất. Không để dịch bùng phát ra "vùng xanh", vùng nông thôn vì nông thôn là thế mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, nhưng năng lực y tế hạn chế. Khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh.
    
* Trước đó, đầu giờ chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra các công trình, khu điều trị bệnh nhân của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 của TP Hà Nội. 
THANH GIANG. Ảnh: TRẦN HẢI

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết

Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết

Thời sự xã hội - 21/01/2025

Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Hai vợ chồng tử vong khi đi đánh cá, bốn con thơ ngơ ngác đợi tin

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Thời sự xã hội - 02/12/2024

Bé trai 14 tuổi tử vong khi đi câu cá cùng nhóm bạn

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Thời sự xã hội - 30/10/2024

Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Thời sự xã hội - 28/10/2024

Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới