Thủ tướng: Trời quang mây tạnh cũng không được chủ quan với bão Noru
Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu mở đầu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó .
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc cơn bão Durian (hay bão số 9 tại Việt Nam) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó).
Sáng sớm 26/9, bão Noru đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, tốc độ di chuyển nhanh.
Dự báo từ ngày 26/9, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông, chiều tối ngày 27/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thanh đã họp và có các chỉ đạo ứng phó bão số 4; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão.
Thủ tướng cho biết ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh". Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Ông nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.
Trong đó, hết sức quan tâm một số nhiệm vụ: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm
Trước đó, chiều 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nhằm ứng phó cơn bão có tên quốc tế Noru.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác dự báo là cực kỳ quan trọng, phải tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, dự báo chính xác nhất và cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.
"Càng chính xác, kịp thời càng tốt", Phó Thủ tướng lưu ý và yêu cầu lãnh đạo các địa phương dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ.
Thành lập ngay các đoàn công tác của Ban Chỉ quốc gia về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, của các bộ, ngành trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các địa phương trọng điểm.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo Thủ tướng việc thành lập Ban Chỉ huy tiền phương.
Các địa phương khẩn trương phối hợp với Bộ đội biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông vận tải rà soát, nắm rõ tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển để kịp thời thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn.
Trong đó, cần lưu ý cả các tàu cá, tàu vận tải, tàu thuyền ven bờ để đề phòng khi bão đổi hướng khi di chuyển dọc ven bờ, rút kinh nghiệm các trận bão trước đây khi tàu vận tải cỡ lớn gặp nạn tại khu vực Quảng Bình, cảng Quy Nhơn…
Phó Thủ tướng lưu ý, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho hoạt động sản xuất… Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, rà soát lại dự trữ, nhất là lương thực, thực phẩm, tránh tình trạng khi bị chia cắt nhưng không có lực lượng cứu hộ kịp thời, để người dân bị đói.
Cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng theo quy định, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, công tác chỉ đạo ứng phó của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Thời sự xã hội - 18/10/2024
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa
Thời sự xã hội - 17/10/2024
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa