Trước sự việc này, PV nhiều lần liên lạc với PGS.TS. Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ sinh học, tác giả của nghiên cứu thuốc VIPDERVIR qua điện thoại nhưng chưa nhận được phản hồi.
Việc xuất hiện cùng một tên gọi (VIPDERVIR) và nhãn mác na ná nhau cho 2 sản phẩm có công dụng hoàn toàn khác nhau như vậy có bất thường? Đặc biệt khi đây lại là mặt hàng phục vụ điều trị dịch bệnh Covid-19 - đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân hiện nay?
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Trần Văn Phúc (BV ĐK SaintPaul) cho rằng, điều này có thể gây hiểu nhầm cho người dân.
"Nếu cố tình gây ra sự hiểu lầm ấy, nó không đơn giản là hiểu lầm nữa mà sẽ là trục lợi, là lợi dụng các nhà khoa học để bán hàng. Việc các doanh nghiệp kết hợp với viện nghiên cứu để cho ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu, nhu cầu thực tiễn của đời sống là bình thường, thậm chí là được khuyến khích, để tránh tình trạng các nghiên cứu xa rời đời sống, các đề tài "đút ngăn kéo". Tuy nhiên, phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng, nhất là với lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người và đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng như hiện nay", BS Phúc nói.
Trước đó, tại họp báo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, VIPDERVIR là công trình trọng điểm của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn Lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam trong việc tạo ra chế phẩm phòng và điều trị Covid-19 từ nguồn cây thuốc Việt Nam.
Tại họp báo, PGS.TS. Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ sinh học, đã cho biết, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và khả năng ức chế phát triển của virus cũng như tác dụng tăng cường miễn dịch.
Hội đồng Đạo đức đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc VIPDERVIR.
Do đó sản phẩm này được cho phép triển khai ngay giai đoạn 2, 3 trên đối tượng đích là bệnh nhân. Giai đoạn 2 sẽ triển khai thử nghiệm trên 60 đối tượng để dò liều tối ưu, chỉ định liều thuốc điều trị. Có 2 nhóm có đối chứng tham gia nghiên cứu gồm 1 nhóm điều trị phác đồ nền theo Bộ Y tế, 1 nhóm điều trị theo phác đồ nền với sản phẩm nghiên cứu. Kết thúc giai đoạn 2, sau khi đánh giá an toàn, khả năng giảm tải lượng virus của các liều và chọn liều tối ưu, Hội đồng Đạo đức Quốc gia cho phép chuyển sang giai đoạn 3 với khoảng 200 người để đánh giá so sánh giữa 2 nhóm...
Cũng tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết: “Hy vọng với thời gian nghiên cứu khoảng 2-3 tháng, cùng 1-2 tháng đánh giá tổng kết, dự kiến cuối năm chúng ta sẽ cấp phép lưu hành cho sản phẩm này. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Viện huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà sản xuất, đón nhận nghiên cứu cơ bản để có đánh giá nhanh nhất, khoa học nhất, có sản phẩm phục vụ người dân”.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.