Nhất Nhất dừng quảng cáo "mất ngủ không uống hoạt huyết là do trời đày"
Không uống hoạt huyết là do "trời đày"
Mới đây, đoạn clip quảng cáo thuốc hoạt huyết Nhất Nhất (của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất) dành cho người bị rối loạn tiền đình cùng các bệnh liên quan đã khiến nhiều người xem muốn "máu dồn lên não". Ai nấy đều không khỏi bất ngờ trước nội dung vô cùng phản cảm, như chửi thẳng vào mặt khách hàng.
Cụ thể, đoạn video kéo dài 58 giây ghi lại cuộc trò chuyện của hai người đàn ông lớn tuổi về tình hình bệnh của những người trong gia đình.
Người đàn ông mặc áo hồng tâm sự, ông và mẹ nhờ sử dụng sản phẩm hoạt huyết này thường xuyên nên ngủ rất ngon, dù trước đó đã sử dụng nhiều loại thuốc. Ngược lại, vợ ông không chịu sử dụng nên lâm cảnh mất ngủ kinh niên. Người đàn ông mặc áo hồng cũng bày tỏ sự bất lực khi không thuyết phục được vợ sử dụng sản phẩm.
Lúc này, người đàn ông áo trắng ngồi đối diện mới tiếp lời: "Vợ anh cũng trí thức, cũng tiến sĩ như anh, đáng lẽ phải uống ngay. Nhưng lại không chịu uống thì chỉ có thể là do nghiệp chướng nặng từ kiếp trước, trời đày không cho chị ấy tin tưởng vào thuốc hoạt huyết, để phải chịu nỗi khổ mất ngủ kinh niên suốt đời. Nếu vậy, có mà trời khuyên”.
Đoạn quảng cáo được lan truyền, khiến không ít người bất bình.
Một người xem bình luận ngay bên dưới đoạn video: “Nội dung quảng cáo rất phản cảm và dường như đang xúc phạm những người không dùng sản phẩm này của họ vậy”.
Một người khác cũng bày tỏ bức xúc: “Không hiểu vì sao các đơn vị quản lý có thể duyệt được nội dung như thế. Chẳng khác nào nói những người không dùng sản phẩm của họ là vô học”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều nay (22/2), bà Nguyễn Yến Linh, Trưởng phòng Ngoại giao Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất, đơn vị sản xuất Hoạt huyết Nhất Nhất cho biết, sau khi nhận được phản hồi từ người dân về nội dung phản cảm, đơn vị đã dừng chạy quảng cáo trên.
Tuy nhiên, bà Linh từ chối cung cấp giấy tờ cấp phép lưu hành liên quan đến sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất, quy trình sản xuất và nguồn gốc nguyên vật liệu sản xuất thuốc nói trên.
Từng bị phạt 30 triệu vì vi phạm quảng cáo
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất đã từng bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì quảng cáo không đúng nội dung đăng ký đối với thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất.
Cụ thể: Trong giấy cấp phép, công dụng của thuốc này chỉ là trị các chứng huyết hư, ứ trệ; Phòng ngừa và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng tuần hoàn ngoại vi. Không có “cải thiện sự hoạt động của tay chân”.
Nhưng trên 1 quảng cáo, thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất được giới thiệu là "triệt tiêu thiểu năng tuần hoàn não, tăng chức năng hệ thần kinh trung ương, làm hết đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, giúp ngủ ngon, ngủ sâu, tỉnh táo; hỗ trợ phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, nghẽn mạch, tai biến mạch máu não; Phòng những trường hợp tai biến mạch máu não, cải thiện sự hoạt động của tay chân”.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu công ty TNHH Nhất Nhất phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Nhưng hiện nay, theo ghi nhận của PV, một số nội dung bị xử phạt nêu trên vẫn được ghi trong danh mục chỉ định của hướng dẫn sử dụng và vỏ hộp Hoạt huyết Nhất nhất.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!
Nam Việt
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Sữa chua từ thực vật - Thực phẩm dinh dưỡng tuyệt vời
Thực phẩm chức năng - 10/05/2022
Sữa chua từ thực vật - Thực phẩm dinh dưỡng tuyệt vời
Uống nhiều vitamin C khi điều trị Covid-19 có thể làm tổn thương dạ dày
Thực phẩm chức năng - 26/04/2022
Uống nhiều vitamin C khi điều trị Covid-19 có thể làm tổn thương dạ dày
Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Thực phẩm chức năng - 04/04/2022
Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh
Thực phẩm chức năng - 31/03/2022
Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh
Xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Thực phẩm chức năng - 18/10/2021
Xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật