Không nên dự trữ Tamiflu khi cúm vào mùa
Nền nhiệt độ ở miền Bắc những ngày qua giảm, chênh lệch giữa ngày và đêm cao, cùng với tình trạng ô nhiễm, làm gia tăng các ca mắc cúm. Nhiều người tìm mua tamiflu - thuốc trị cúm, để dự trữ trong nhà và uống dự phòng.
"Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân chưa có nhiều đột biến, chủ yếu bị cúm nhẹ", bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nhận định.
Theo Cục Y tế Dự phòng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.
Riêng cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm đặc biệt như trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận... Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Tamiflu không được tùy tiện sử dụng
Tamiflu là loại thuốc kháng virus được chỉ định điều trị cúm. Thuốc chứa hoạt chất oseltamivir, là thuốc kê đơn, không được sử dụng tùy tiện. "Tuy nhiên, không phải cứ bệnh cúm là sử dụng Tamiflu", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Do đó, người bệnh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Nếu mắc cúm thông thường, không cần dùng đến Tamiflu. "Kể cả bệnh nhân cúm nặng, chúng tôi có thể điều trị bằng thuốc khác, không có tamiflu cũng không ảnh hưởng", bác sĩ nói.
Riêng trường hợp xét nghiệm thấy cúm A, bệnh nhân sẽ được khám, kê đơn điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Trường hợp nặng, bác sĩ có chỉ định đặc biệt. Nếu mắc cúm thông thường, không cần dùng đến Tamiflu.
"Đừng sợ cúm, kể cả cúm A/H1N1 cũng chỉ là cúm mùa, không cần lo lắng quá mức", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, cho biết cúm diễn biến biến chứng bác sĩ mới dùng đến thuốc tamiflu, không dùng để ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra, tamiflu là thuốc kê đơn, được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi...
Vì vậy, tự ý mua tamiflu có nguy cơ mua phải thuốc trôi nổi, không có nguồn gốc. Người mua tamiflu cũng không nắm được liều lượng và chỉ định sử dụng dễ bị tác dụng phụ lên đường tiêu hóa, hô hấp thậm chí gây co giật. Điều trị cúm bằng tamiflu tại nhà còn dẫn đến bỏ sót bệnh và thời gian vàng điều trị bệnh.
Dự trữ Tamiflu gây lãng phí
Theo bác sĩ Dũng, dự trữ tamiflu là thói quen nguy hại, gây lãng phí, khiến giá thành tăng vọt. Tháng 12 năm ngoái, tamiflu bị cạn kiệt trên thị trường và tăng giá lên tới gấp ba đến bốn lần. Do đó, khi có dấu hiệu, người bệnh nên đi khám, không tự ý mua thuốc tamiflu dễ dẫn tình trạng kháng thuốc sau này. Đây là loại thuốc được bác sĩ kê đơn, tuyệt đối không tự ý mua hay dự trữ trong nhà.
"Chưa kể, đối với bệnh nhân cúm A, sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng, sử dụng Tamiflu không có tác dụng", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, bác sĩ khuyến cáo người dân tuân thủ thực hiện 5K: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế" để giữ an toàn. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, tiêm vaccine phòng bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành