Kinh doanh thuốc chữa Covid-19 giả: Phạt nặng vì trục lợi khi dịch bệnh

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước phát hiện nhiều vụ sản xuất thuốc điều trị bệnh Covid-19 giả, thuốc lậu từ nhiều nguồn nhập về.

Liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán thuốc Covid-19 giả

Ngày 31/8, Đội 4 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra đột xuất điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chủ cơ sở là Trương Văn An (SN 1981; trú tại tỉnh Hải Dương) khai nhận thu mua số thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp đôi để kiếm lời.

Số lượng lớn thuốc điều trị Covid-19 lậu được lực lượng Công an Hà Nội phát hiện
Số lượng lớn thuốc điều trị Covid-19 lậu được lực lượng Công an Hà Nội phát hiện

Trước đó, ngày 20/8, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa, phòng bệnh Covid-19, thu giữ hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất.

Trong đó, có: 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả các nhãn hiệu Neo-Cordion, Augmentin, 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vỉ Neo-Codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu…

Đáng nói, khu vực sản xuất tân dược giả của đường dây này là… nhà vệ sinh; nguyên liệu và thuốc thành phẩm được các đối tượng để dưới nền nhà.

Thuốc điều trị Covid-19 giả được sản xuất ngay dưới sàn nhà vệ sinh
Thuốc điều trị Covid-19 giả được sản xuất ngay dưới sàn nhà vệ sinh

Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó đội trưởng Đội 4 (Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội) cho hay, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã sản xuất, mua bán các loại thuốc Covid-19 không qua kiểm định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

"Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, vắng người nằm sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa", Trung tá Trung cho biết.

Trục lợi trong dịch bệnh là hành vi tăng nặng

Luật sư Bùi Văn Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả được quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016.

Về chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh tuỳ theo mức độ, tính chất sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo luật sư Huy, nếu vụ việc kinh doanh, sản xuất thuốc giả có tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mức phạt theo đó là từ 2 triệu đồng đến 140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10 - 200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Riêng đối với tội danh này cũng quy định phần chế tài riêng cho cá nhân và pháp nhân. Cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Giá trị của hàng hoá; Tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có... mà có thể phải đối mặt mức án từ 2 - 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.

Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.

"Trục lợi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay được coi là hành vi tăng nặng, các đối tượng có thể phải đối mặt khung hình phạt cao nhất, tuỳ theo tội danh", luật sư Huy phân tích.

Việt Hòa

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Thuốc biệt dược - 14/11/2023

Quá hạn liên thông đơn thuốc điện tử, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới