Mỹ và WHO đối chọi nhau về thuốc chữa Covid-19
Khuyến nghị được WHO công bố trên tạp chí The BMJ, hôm 20/11. Ý kiến này trái ngược với việc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt remdesivir là phương pháp điều trị Covid-19 đầu tiên và duy nhất được chấp thuận hoàn toàn ở Mỹ.
Hội đồng chuyên gia thuộc nhóm Phát triển Hướng dẫn của WHO (GDG) đưa ra đánh giá dựa trên việc rà soát bằng chứng bao gồm dữ liệu từ 4 cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên quốc tế liên quan hơn 7.000 bệnh nhân Covid-19. Sau khi xem xét dữ liệu, các chuyên gia cho rằng "không có bằng chứng remdesivir cải thiện kết quả điều trị như giảm nguy cơ tử vong, thở máy, thời gian cải thiện lâm sàng và các yếu tố khác". Hội đồng kết luận thuốc remdesivir phải được tiêm tĩnh mạch, do đó tốn kém và phức tạp trong quản trị, không mang lại hiệu quả có ý nghĩa đến tỷ lệ tử vong hoặc các kết quả quan trọng khác cho bệnh nhân.
Trong một tuyên bố gửi qua email, Gilead, đơn vị độc quyền bán remdesivir, cho biết: "Remdesivir được công nhận là tiêu chuẩn điều trị bệnh nhân Covid-19 theo hướng dẫn của nhiều tổ chức quốc gia đáng tin cậy, bao gồm Viện Y tế Quốc gia Mỹ và Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Nhật Bản, Anh và Đức".
Chris Ridley, phát ngôn viên của Gilead nói thêm: "Chúng tôi thất vọng khi các hướng dẫn của WHO dường như bỏ qua bằng chứng vào thời điểm các ca nhiễm tăng đáng kể trên khắp thế giới. Các bác sĩ dùng Veklury như phương pháp điều trị kháng virus đầu tiên và duy nhất được chấp thuận cho bệnh nhân Covid-19 ở khoảng 50 quốc gia".
Remdesivir, bán với tên thương hiệu Veklury, thuốc dùng trong bệnh viện, qua đường truyền tĩnh mạch. Nhà sản xuất Gilead cho rằng thuốc chỉ nên sử dụng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thể khả năng chăm sóc giống như bệnh viện.
Phần lớn bệnh nhân được điều trị 6 lọ remdesivir trong 5 ngày. Công ty Gilead đang phát triển thuốc dạng hít, dùng qua máy khí dung để chuyển thuốc từ dạng lỏng thành các hạt nhỏ như sương.
Thuốc remdesivir được toàn thế giới chú ý như một phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả, hồi đầu năm. Đây cũng là một trong những loại thuốc điều trị cho Tổng thống Donald Trump, người dương tính với Covid-19 hồi tháng 10.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, từng khen ngợi loại thuốc này và nói rằng đây là tiêu chuẩn chăm sóc mới cho bệnh nhân Covid-19.
Một số chuyên gia y tế lưu ý có thể có những kết quả khác nhau về tính hiệu quả của thuốc. Vào tháng 10, nghiên cứu từ WHO chỉ ra thuốc có "ít hoặc không ảnh hưởng" đến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nội trú. Nghiên cứu thực hiện tại 405 bệnh viện trên 30 quốc gia, hơn 11.000 bệnh nhân tham gia, trong đó 2.750 người dùng remdesivir.
Gilead nghi vấn trước kết quả nghiên cứu của WHO, bởi các thử nghiệm khác cho thấy hiệu quả giảm số ngày điều trị. Gilead cho rằng: "Dữ liệu của WHO có vẻ không nhất quán với bằng chứng mạnh mẽ từ nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng được công bố trên các tạp chí được đánh giá ngang hàng xác nhận lợi ích lâm sàng của remdesivir".
WHO thừa nhận rằng không có bằng chứng chỉ ra remdesivir không có lợi, cho đến nay. Nhưng với hiệu quả thấp, chi phí cao và nguồn lực quản lý thuốc, WHO cho rằng khuyến nghị đưa ra là thích hợp. Đồng thời, WHO ủng hộ tiếp tục các thử nghiệm để đánh giá thêm.
Nguyễn Ngọc (Theo CNBC)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành