Sắp công bố kết quả thử nghiệm thuốc trị Covid-19
Tiến sĩ Andre Kalil, chuyên gia kiểm định của chính phủ Mỹ, ngày 26/4 cho biết đến giữa tháng 5, các nhà khoa học mới có kết luận cuối cùng về độ an toàn và hiệu quả của thuốc.
"Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ phân tích các dữ liệu, về cơ bản có thể biết được remdesivir có hiệu quả hơn giả dược hay không", ông nói.
Công ty Gilead Sciences tiến hành thử nghiệm remdesivir từ tháng 2 năm nay. Trước đó, công ty phát triển remdesivir để điều trị Ebola, song thuốc cho thấy hiệu quả trên cả bệnh nhân Covid-19.
Thời hạn nhận đơn đăng ký thử thuốc đã đóng vào ngày 26/4. Ông Kalil cho biết: "Chúng tôi có nhiều tình nguyện viên hơn dự kiến".
Thử nghiệm được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ, theo phương pháp nghiên cứu ngẫu nhiên, có giả dược đối chứng. Bệnh nhân sử dụng remdesivir được so sánh với nhóm không dùng thuốc. Cả bác sĩ và tình nguyện viên đều không thể phân biệt thuốc thật và giả dược. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan, giúp thu lại kết quả đáng tin cậy hơn.
Thử nghiệm ban đầu được tiến hành tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, sau đó mở rộng gần 70 địa điểm trên khắp thế giới, từ Hàn Quốc đến Đức. Các nhà khoa học kỳ vọng thuốc có thể điều trị dứt điểm, hiệu quả và an toàn cho người nhiễm nCoV, thay vì "chỉ giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn".
"Chúng tôi muốn thu được điều gì đó có ý nghĩa, một loại thuốc thực sự thay đổi tình trạng của người bệnh", tiến sĩ Kalil nói.
Dù đặt nhiều kỳ vọng vào remdesivir, tiến sĩ cho biết sẽ không đưa ra bất cứ phỏng đoán nào. "Đây không phải lúc để suy đoán, giờ là thời điểm phân tích dữ liệu thực tế. Nếu thuốc có tác dụng, thật tuyệt vời. Nếu nó không hiệu quả, chúng tôi sẽ loại bỏ và tiến hành thử nghiệm các phương pháp khác", ông khẳng định.
Hiện dữ liệu liên quan đến tác dụng và độ an toàn của thuốc còn nhiều mâu thuẫn cũng như chưa hoàn chỉnh. Giữa tháng 4, Gilead tuyên bố hầu hết 53 bệnh nhân thử nghiệm remdesivir hồi phục nhanh chóng sau khoảng 6 ngày. Công ty cho rằng đây là kết quả "rất đáng khích lệ". Song nhiều người cho rằng thử nghiệm chưa đủ khách quan bởi không có nhóm đối chứng ngẫu nhiên.
Cuối tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vô tình làm lộ một báo cáo sơ bộ liên quan đến remdesivir. Theo đó, nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy thuốc không hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Sức khỏe của các tình nguyện viên không cải thiện rõ rệt, tỷ lệ tử vong ở nhóm dùng thuốc và giả dược là tương đương nhau. Gilead bác bỏ kết luận này, cho rằng tài liệu của WHO dựa trên các thông số không phù hợp. Trên thực tế, thử nghiệm đã chấm dứt trước thời hạn do không đủ tình nguyện viên tham gia.
Thục Linh (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành