Australia thí điểm cách ly người nhập cảnh tại nhà

Theo Nhân Dân 03:04 17/09/2021 - Tin quốc tế
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 17/9 thông báo, nước này sẽ thử nghiệm cách ly tại nhà đối với công dân nước ngoài nhập cảnh đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ khi đến Sydney, trong bối cảnh quốc gia châu Đại Dương này đang tiến hành mở cửa biên giới trở lại.
Sydney đang trong lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta gây nên. (Ảnh: Reuters)
Sydney đang trong lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta gây nên. (Ảnh: Reuters)

 

Theo đó, Sydney, vốn tiếp nhận nhiều công dân trở về từ nước ngoài hơn các thành phố khác trên cả nước sẽ bắt đầu thử nghiệm cách ly tại nhà kéo dài bảy ngày cho người nhập cảnh đã tiêm đủ hai liều vaccine vào cuối tháng này.

Nhà chức trách sẽ sử dụng một ứng dụng điện thoại di động và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát việc tuân thủ cách ly của khoảng 175 người, bao gồm cả công dân Australia, người không thuộc diện cư trú và thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không quốc gia Qantas Airways.

Theo Thủ tướng Morrison, đây là bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại một cách an toàn. Ông cho biết thêm, việc thử nghiệm có thể đặt nền tảng cơ sở cho các tiêu chuẩn “sống chung với Covid-19” của Australia.

Kế hoạch này được công bố ngay trước cuộc họp nội các của ông Morrison vào cuối ngày hôm nay, dự kiến thảo luận về việc áp dụng hộ chiếu vaccine và nới lỏng hơn nữa các hạn chế.

Kế hoạch mở cửa trở lại từng bước của Chính phủ Australia được tiến hành dựa trên tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 đủ hai liều đạt các mốc 70-80% dân số trưởng thành. Hiện tỷ lệ này trên toàn quốc đang ở mức khoảng 45% nhưng dự kiến sẽ tăng nhanh, với hơn 70% người trên 16 tuổi đã được tiêm liều đầu tiên.

Để đối phó với đại dịch, Australia đã đóng cửa biên giới với khách quốc tế từ tháng 3/2020, ngoại trừ công dân Australia và người có thường trú dài hạn, nhưng khi nhập cảnh phải trải qua cách ly bắt buộc hai tuần tự trả phí tại khách sạn.

Ngay cả với đợt bùng phát do biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh chóng, Australia vẫn tránh được số ca mắc cao như ở nhiều quốc gia có điều kiện tương đương, với khoảng 82 nghìn trường hợp mắc và 1.141 ca tử vong, nhờ việc đóng cửa biên giới nhanh chóng và bắt buộc cách ly tại khách sạn đối với người nhập cảnh.

Khi đợt bùng phát của biến thể Delta bắt đầu hồi đầu tháng 6, Australia đã đặt Sydney và Melbourne, hai thành phố lớn nhất nước, cùng thủ đô Canberra dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Trong ngày hôm nay, bang Victoria đã báo cáo 510 trường hợp mắc mới, đa số ở thành phố thủ phủ Melbourne. Đây là mức tăng hàng ngày cao thứ hai trong năm nay. Trong khi đó, bang New South Wales cũng báo cáo 1.284 trường hợp mới, hầu hết ở Sydney, giảm so với 1.351 ca ghi nhận hôm qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng cao, cả hai bang New South Wales và Victoria đều đang lên kế hoạch nới lỏng thêm các hạn chế, trong đó một số quy định về tụ tập đông người và đi lại ở Melbourne sẽ được nới lỏng từ tối nay, sau khi bang Victoria về đích sớm trước một tuần cho mục tiêu bao phủ 70% dân số với liều vaccine đầu tiên.

Cùng ngày, nước láng giềng New Zealand quyết định gia hạn đình chỉ “bong bóng du lịch” với Australia thêm tám tuần nữa, nhằm đối phó với đợt bùng phát mới do biến thể Delta gây ra.

Trước đó, “bong bóng du lịch” này đã bị đình chỉ vào ngày 23/7, chỉ sau vài tuần áp dụng, nguyên nhân chủ yếu bởi biến thể Delta gây lây nhiễm lan rộng tại Sydney và Melbourne. Kế hoạch này dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 24/9, song chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern đã quyết định gia hạn thêm việc đình chỉ.

"Chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả trong việc ngăn chặn đợt bùng phát hiện tại và đang nỗ lực để nới lỏng các hạn chế vào tuần tới. Việc mở lại “bong bóng du lịch” với Australia vào thời điểm này có thể khiến những kết quả này đứng trước rủi ro", Bộ trưởng phụ trách ứng phó với Covid-19 Chris Hipkins cho biết.

Ông Hipkins cũng thông tin thêm, Chính phủ New Zealand sẽ xem xét lại quyết định trên vào trung tuần đến cuối tháng 11 tới.

Sau nhiều tháng kiểm soát tốt dịch bệnh, New Zealand đang phải đối mặt với đợt bùng phát mới do biến thể Delta xuất phát từ ca nhập cảnh từ Australia gây nên, dẫn đến sự bùng phát ca nhiễm ở thành phố lớn nhất nước Auckland, buộc New Zealand phải ra lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước. Hiện Auckland vẫn phải áp dụng nghiêm ngặt lệnh giới nghiêm, trong khi phần còn lại của đất nước đã dần mở cửa trở lại.

New Zealand vẫn đang kiểm soát khá tốt đợt bùng phát mới, với chỉ 11 ca mắc Covid-19 mới ghi nhận trong ngày 17/9. Đợt bùng phát do biến thể Delta cho đến nay mới ghi nhận 1.007 ca nhiễm.

Thủ tướng Jacinda Ardern cho rằng, New Zealand đang trên đà kiểm soát được biến thể Delta. Bà cho biết thêm, nước này đang có kế hoạch mở cửa trở lại biên giới theo từng giai đoạn vào đầu năm tới.

TRUNG HƯNG (Theo Reuters)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?

AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Tin quốc tế - 09/05/2024

AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Tin quốc tế - 24/10/2023

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Tin quốc tế - 06/10/2023

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Tin quốc tế - 12/05/2023

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Tin quốc tế - 05/04/2023

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới