'Đại dịch' cận thị
Gần 60% học sinh từ 6 đến 18 tuổi trên khắp nước này bị cận, theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên khi trẻ lớn hơn, với khoảng 1/3 học sinh tiểu học, 65% học sinh trung học cơ sở và 80% học sinh trung học phổ thông bị cận.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 18.000 học sinh trên khắp Trung Quốc. Kết quả cho thấy học sinh từ các thành phố nhỏ hơn có khả năng bị cận cao hơn nhiều so với những bạn ở các thành phố trực thuộc trung ương và thủ phủ tỉnh – nơi có nguồn lực y tế tốt hơn.
Các chuyên gia tin rằng đây là hậu quả của việc trẻ em dành quá nhiều thời gian trong nhà, hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời - thứ giúp mắt phát triển.
Shi Wenbin, một chuyên gia hàng đầu về cận thị và là bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm Phòng chống Cận thị cho trẻ em ở tỉnh An Huy, cho biết nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng nếu trẻ em không được vui chơi trong ánh sáng tự nhiên, chúng dễ có nguy cơ bị cận thị từ sớm.
"Đáng buồn thay, khi áp lực học tập tăng lên, nhiều trẻ em Trung Quốc, đặc biệt là học sinh cuối cấp, không thể hoạt động ngoài trời một giờ mỗi ngày", ông nói.
Bệnh cận thị xảy ra khi nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc giác mạc bị cong quá. Kết quả là ánh sáng không tập trung tại võng mạc, khiến các vật ở xa trông bị mờ.
Shi cho biết sự thiếu hiểu biết của cha mẹ về tình trạng này có thể khiến con cái có nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng đến thị lực. Ông cho rằng đa số các bậc cha mẹ còn coi nhẹ vấn đề, nghĩ rằng chỉ cần thay kính hoặc phẫu thuật là có thể giải quyết. "Nhiều người ý thức được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, song họ vẫn ưu tiên việc học của con quan trọng hơn", ông nói.
Nhiều phụ huynh phớt lờ lời khuyên của các cơ quan giáo dục về việc giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh. Họ đưa con em đến các lớp học ngoài giờ với nhiều bài tập hơn.
Năm 2018, công tác giảm thiểu tình trạng cận thị đã trở thành ưu tiên quốc gia, chính quyền cam kết đưa tỷ lệ cận thị xuống dưới 60% ở các trường trung học cơ sở và dưới 70% ở các trường trung học phổ thông vào năm 2030. Hơn 10 năm trước, chính phủ Trung Quốc ban hành chỉ thị đề nghị các trường học đảm bảo tất cả học sinh có một giờ tập thể dục ngoài trời. Tuy nhiên, phần lớn đều không thực hiện được.
"Con trai tôi có tiết thể dục và hoạt động ngoài trời gần như mỗi ngày, nhưng các học sinh thường ngồi trong lớp để học các môn quan trọng hơn hoặc do thời tiết xấu. Các con cũng không được ra sân chơi trong giờ giải lao vì nhà trường lo ngại có thể xảy ra tai nạn", Adele Li, mẹ của một học sinh tám tuổi ở Thượng Hải cho biết.
Tỷ lệ cận thị ngày càng gia tăng không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà còn đặc biệt phổ biến ở khắp Đông Á - nơi học sinh phải chịu áp lực rất lớn về thành tích học tập. Ở Hong Kong, khoảng 17% trẻ em đã bị cận thị khi bắt đầu học lớp một, theo Bộ Y tế. Tỷ lệ tăng lên mức 53% đối với lớp sáu. Ở Tokyo, 76% học sinh tiểu học và 95% học sinh trung học cơ sở bị cận, theo một nghiên cứu của Đại học Keio vào năm 2019.
Trong khi đó, ở Mỹ, tỷ lệ cận thị ở trẻ em từ 5 đến 17 tuổi là khoảng 9%, Ireland là 14%, còn Úc là 13% đối với trẻ từ 11 đến 17 tuổi, theo một báo cáo năm 2018 trên tạp chí khoa học Nature.
Mai Dung (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao