Dịch vụ đẻ thuê 'chui' ở Trung Quốc
Anh Wu Kui là một trong những người phản đối việc bỏ rơi các em bé, nhưng có quan điểm trung lập về chuyện đẻ thuê. "Rất nhiều người tìm đến dịch vụ đẻ thuê nhưng không mấy ai bỏ mặc đứa trẻ. Nhờ người khác đẻ con là quyết định khó khăn với hầu hết những người mong muốn có con nhưng không thể sinh nở. Vì thế, họ sẽ yêu thương đứa bé như các cha mẹ bình thường", anh Wu nói.
Anh và bạn trai quyết định có con vào năm 2016 bởi cả hai đều thực lòng muốn có em bé, thay vì để thỏa ước nguyện của cha mẹ hoặc lấy con làm chỗ dựa tuổi già. Dù đẻ thuê bị cấm ở Trung Quốc, hai người đã tìm đến dịch vụ được hợp pháp hoá ở Ukraine, Việt Nam và Mỹ.
Thuê người đẻ hộ không hề rẻ. Chi phí cho việc này là hơn 600.000 NDT. Cặp đôi phải bán căn hộ ở Bắc Kinh để có tiền chi trả. Bên cạnh chi phí đắt đỏ, hình thức mang thai này không có tỷ lệ thành công tuyệt đối. "Phôi thai không phải lúc nào cũng phát triển được sau khi đưa vào tử cung. Nếu muốn tăng tỷ lệ thành công, Mỹ là điểm đến hàng đầu", theo anh Wu.
Năm 2001, Ủy ban Y tế Quốc gia (trước đây là Bộ Y tế) đã ban hành Quy định về Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản, cấm các cơ sở y tế và các chuyên gia thực hiện bất kỳ hình thức mang thai hộ nào. Việc buôn bán tinh trùng, noãn, hợp tử và phôi cũng bị cấm. Các cơ sở y tế có thể bị phạt tới 30.000 NDT nếu vi phạm. Scandal mang thai hộ của diễn viên Trịnh Sảng đã hé lộ lỗ hổng pháp lý về vấn đề này. Những khách hàng đến với dịch vụ được cấp phép ở nước ngoài, không phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Trung Quốc.
Wu cho hay: "Công ty môi giới làm việc cùng chúng tôi nói rằng số yêu cầu họ nhận được từ các cặp đồng tính chỉ chiếm 15-20%. Đa số khách hàng đều có vấn đề về khả năng sinh sản, ví dụ như cắt bỏ tử cung do ung thư hoặc người phụ nữ quá tuổi mang thai".
Những nơi lý tưởng nhất để tìm người mang thai hộ là Mỹ, Việt Nam và Ukraine. Trong đó, Mỹ là nơi có công nghệ hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất, đồng thời phí cao nhất khoảng 1 triệu NDT. Còn ở Việt Nam hoặc Thái Lan, số tiền phải trả là 600.000 đến 800.000 NDT. Tại Ukraine, giá tương đối rẻ, khoảng 400.000 đến 600.000 NDT. Ước tính mỗi năm có 2.500-3.000 em bé được sinh ra qua hình thức này ở Ukraine. Một phần ba số khách hàng là người Trung Quốc.
Vấn đề vô sinh và mong muốn có con thứ hai của người trung niên ở Trung Quốc là hai yếu tố kích thích nhu cầu mang thai hộ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 10-20% dân số thế giới bị vô sinh, tức là ở Trung Quốc ước tính có khoảng 15 triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề này. Sau khi nới lỏng chính sách một con vào năm 2015, hơn một nửa số phụ nữ đủ điều kiện để mang thai lần hai đã 35 tuổi hoặc hơn, theo Uỷ ban Sức khỏe Quốc gia. Geng Linlin, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ, cho biết: "Khả năng sinh sản giảm sút khi người phụ nữ già đi. Gần 90% nữ giới ở độ tuổi 45 trở lên không thể thụ thai hoặc mang thai đủ tháng.
Do nhu cầu tăng lên, đã có những lời kêu gọi nới lỏng lệnh cấm. Chuyên gia về sinh sản ở Bệnh viện thuộc Đại học Bắc Kinh, Wang Lina, từng điều trị cho nhiều phụ nữ phải cắt bỏ buồng trứng do ung thư. Bà cho rằng chính phủ nên nới lỏng các quy định để giúp những phụ nữ như vậy thực hiện ước mơ làm mẹ. Theo bà, mang thai hộ một cách tự nguyện hay thương mại được chấp nhận ở nhiều quốc gia và Trung Quốc nên làm theo. Tuy nhiên, các hình thức đẻ thuê thuần thương mại cần phải nghiêm cấm.
Wang Guisong, phó giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết chưa có điều tra về quy mô của thị trường mang thai hộ ở Trung Quốc, nhưng nhu cầu rõ ràng đang bùng nổ do vô sinh và điều kiện kinh tế cải thiện. "Chính phủ nên đối mặt với những vấn đề này từ sớm bằng cách gỡ bỏ lệnh cấm và phát triển chính sách hỗ trợ những người không thể sinh con", giáo sư Wang cho hay.
Dịch vụ đẻ thuê "chui" ở Trung Quốc đã bùng nổ trong những năm gần đây. Tại tỉnh Quảng Đông, hơn 1.000 công ty môi giới đã mọc lên trong 4 năm qua. Phí mang thai hộ dao động từ 200.000 đến 700.000 NDT. Thiếu quy định cho thị trường này khiến các bà mẹ và em bé không được bảo vệ. Nhiều người mang thai hộ phải sống trong những tầng hầm và hạn chế hoạt động ngoài trời.
Ye Hongyu, nhà nghiên cứu nữ quyền và bình đẳng giới ở Đại học Phụ nữ Trung Quốc, cho biết: "Theo những báo cáo trước, nhiều phụ nữ tự nguyện làm công việc này để cải thiện mức sống. Phần lớn các trường hợp không được thông báo về những rủi ro khi mang thai".
Một cặp vợ chồng gần đây đã hủy bỏ thỏa thuận với người đẻ thuê sau khi phát hiện ra cô này mắc bệnh giang mai. Cuối cùng, người mẹ đã phải tự mình nuôi con, nhưng sau ba năm vẫn không thể đăng ký khai sinh cho đứa trẻ vì cô đã bán giấy khai sinh của con ra chợ đen để trả tiền sinh mổ.
Ye cho rằng: "Chúng ta không nên khuyến khích đẻ thuê dù nó có hợp pháp hay không, bởi điều này hạ thấp phụ nữ và có thể khiến nhiều trẻ em bị bỏ rơi. Nếu nhu cầu chính đáng về mang thai hộ cần được đáp ứng trong tương lai, luật pháp và sự giám sát chặt chẽ là điều hết sức cần thiết trước khi hợp pháp hóa hình thức này".
Mai Dung (Theo China Daily)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao