EU ngừng tiêm vaccine Astrazeneca - hại nhiều hơn lợi
Chỉ trong vài ngày, chiến dịch tiêm phòng Covid-19 tại gần như toàn bộ Tây Âu bị đình trệ. Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và hơn 10 nước khác tạm ngừng triển khai vaccine AstraZeneca như biện pháp phòng xa sau các trường hợp tử vong, đông máu. Quyết định đi ngược lời khuyên của các cơ quan y tế toàn cầu.
Một số quốc gia vẫn đứng về phía vaccine, như Anh. Đến nay, nước này đã sử dụng 11 triệu liều. Dữ liệu thực tế cho thấy vaccine giảm tỷ lệ nhiễm trùng và nhập viện do mắc Covid-19.
Hành động vội vàng của một số nước châu Âu khiến giới chuyên gia ngạc nhiên, gây hoang mang cho những người đã hoặc sắp được tiêm chủng. Song, các nhà khoa học tỏ ra bình tĩnh. Khi đặt đúng bối cảnh, số ca đông máu được báo cáo rất hiếm so với lượng người đã tiêm vaccine, không cao hơn tỷ lệ trung bình trong dân số. Vaccine của AstraZeneca được chứng minh là làm giảm số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng.
"Tôi không biết tại sao các quốc gia ngừng tiêm vaccine AstraZeneca. Điều này đối với tôi thực sự khó hiểu", Michael Head, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu, Đại học Southampton, nhận định.
Ông nói thêm: "Vaccine để bảo vệ người dùng khỏi virus. Vì vậy, việc tạm ngừng chiến dịch mà không có lý do chính đáng vào thời điểm này là động thái không hay ho".
Hậu quả nhãn tiền của việc ngừng dùng vaccine lớn hơn. Người dân đang trì hoãn tiêm chủng và không thể có miễn dịch. "Tôi lo rằng mọi người khắp châu Âu sẽ do dự khi tiêm vaccine", Head nói.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói vaccine "hầu như không hiệu quả" ở người trên 65 tuổi. Ông Head cho rằng bình luận này "vô nghĩa", nhấn mạnh mối lo về chứng đông máu có thể làm phức tạp hóa quá trình triển khai vaccine. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tâm lý hoài nghi đang tăng lên ở Pháp.
Lập trường của châu Âu không nhất quán
Kể từ khi vaccine AstraZeneca được triển khai cuối tháng 1, châu Âu có lập trường không nhất quán. Trong vài tuần, một số nước EU chỉ trích công ty vì không cung cấp đủ liều lượng cam kết, nghi ngờ hiệu quả của vaccine với người lớn tuổi rồi lại đổi quan điểm, chặn các lô hàng rời lục địa và đến nay là ngừng tiêm chủng do lo ngại chứng đông máu.
Head nói: "Vaccine AstraZeneca luôn là vấn đề gây tranh cãi, vì lý do gì đó mà tôi chẳng hiểu nổi. Tất cả thay đổi nếu nhìn theo phương diện khoa học. Ở góc độ này, vaccine an toàn, hiệu quả, là sản phẩm tốt".
Mới đây nhất, ba nước lớn của châu Âu là Pháp, Đức và Italy ngừng tiêm vaccine. Đan Mạch cũng đình chỉ sử dụng sản phẩm trong hai tuần do các báo cáo về hiện tượng đông máu, một người tử vong. Na Uy có động thái tương tự hôm 15/3.
Tất cả triệu chứng chưa được xác nhận là liên quan đến vaccine.
Ngừng tiêm chủng chỉ để phòng xa
Kể từ đó, hầu như toàn bộ Tây Âu ngừng sử dụng sản phẩm. Chính quyền không quên khuyến cáo người dân đây chỉ là biện pháp phòng xa trong khi chờ đợi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá các ca bệnh. Giới chuyên gia ngạc nhiên với động thái này, song cho biết việc đình chỉ chiến dịch tiêm chủng không phải điều hiếm gặp.
"Nó là một phần của quy trình cơ bản. Điều này xảy ra suốt, chỉ là chẳng ai quan tâm nếu không ở giữa đại dịch", Jon Gibbins, giám đốc Viện Nghiên cứu Tim mạch và Chuyển hóa tại Đại học Reading, nhận định.
EMA họp vào ngày 18/3. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân tích các báo cáo kể từ ngày 16/3. Cả hai cơ quan đều cho biết chưa có bằng chứng vaccine gây đông máu. EMA nói thêm lợi ích của nó lớn hơn rủi ro.
Các nước đang chờ đợi hướng dẫn từ EMA, nhưng nhiều nơi đã bày tỏ mong muốn nối lại chương trình tiêm chủng sớm. Thủ tướng Ireland Micheál Martin hy vọng các câu hỏi xung quan vaccine AstraZeneca được giải đáp cuối tuần này.
Tỷ lệ đông máu rất ít
Dù các ca đông máu, thuyên tắc phổi và tử vong có liên quan đến vaccine hay không, tỷ lệ của chúng cũng rất ít so với số người được tiêm phòng. Trong 1,7 triệu liều tiêm, Đức phát hiện 7 trường hợp đông máu, theo Dirk Brockmann, nhà dịch tễ học tại Viện Robert Koch, cho biết.
Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết có ba bệnh nhân đang được điều trị do triệu chứng hiếm gặp, lượng tiểu cầu thấp, đông máu trong mạch lớn và xuất huyết. Biểu hiện tương tự chưa xuất hiện ở những người khác đã tiêm vaccine.
Một phòng thí nghiệm Hà Lan nhận được 10 báo cáo về chứng máu đông, nhưng người dùng có tình trạng khác hoàn toàn với các ca ở Na Uy. Các sự cố không đủ nhiều để khiến chuyên gia lo ngại.
Tuần trước, Hiệp hội Huyết khối và Rối loạn Đông máu Quốc tế (ISTH) khuyến cáo người trưởng thành đủ điều kiện nên tiếp tục tiêm vaccine Covid-19. "Số lượng nhỏ trường hợp đông máu giữa hàng triệu người tiêm chủng không cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hai yếu tố này", các chuyên gia nhận định.
Hiệp hội nói thêm: "Dựa trên các dữ liệu có sẵn, ISTH tin rằng lợi ích vaccine vượt trội hơn bất cứ biến chứng tiềm ẩn nào, ngay cả với người có tiền sử đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu".
Ông Gibbins có quan điểm tương tự. Ông nói: "Con số quá nhỏ, không cao hơn tỷ lệ chung trong dân số".
Đông máu hoặc huyết khối xảy ra vì nhiều lý do. Huyết khối tĩnh mạch khá phổ biến. Cứ 1.000 người thì một đến hai người mắc bệnh này. Nguy cơ đông máu tăng lên theo tuổi tác, nguy hiểm hơn với người có bệnh nền. Huyết khối xảy ra ngẫu nhiên ở một số người tiêm vaccine là điều bình thường, ông Gibbins nhận định.
"Khi bạn bắt đầu tiêm chủng cho hàng triệu người, tình trạng này sẽ xảy ra liên tục, không tránh được. Nhưng điều đó không có nghĩa vaccine gây đông máu", ông nói. "Theo những gì quan sát được từ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca, tỷ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng là một trên một triệu".
Song ông cũng nhấn mạnh các ca đông máu tại Đức đáng lưu tâm. "Huyết khối tĩnh mạch xoang sọ là dạng hiếm gặp, tỷ lệ là 5 trên một triệu bệnh nhân".
Dữ liệu nói lên điều gì?
AstraZeneca đã kiểm tra lại dữ liệu an toàn hôm 14/3, xem xét cẩn thận hồ sơ của 17 triệu người dùng ở EU và Anh, một lần nữa nhấn mạnh "không có bằng chứng" vaccine liên quan đến đông máu. Trong hàng triệu người, có 15 trường hợp huyết khối tính mạch sâu và 22 ca thuyên tắc phổi, thấp hơn so với quy mô dân số nói chung.
"Nhìn chung là vaccine đang hiệu quả tuyệt vời", ông Gibbins nói.
"Người tiêm chủng khắp châu Âu, nơi vẫn trong giai đoạn đầu của đợt triển khai, chủ yếu cao tuổi, dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng. Vì vậy, tỷ lệ đông máu ở nhóm này cũng lớn hơn", ông Head, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu, Đại học Southampton, nói thêm.
Điểm đáng lưu ý là vaccine bảo vệ con người khỏi Covid-19 - căn bệnh gây đông máu. "Một thứ mà chúng tôi hoàn toàn chắc chắn là người nhiễm nCoV, đặc biệt là phải nhập viện, có nguy cơ đông máu cao".
Vaccine có gây đông máu không?
Các chuyên gia đồng tình vaccine khó gây đông máu, nhưng không phải không thể. Trước đây, một số loại vaccine để lại tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Trong dịch cúm lớn H1N1 2009, một trong những loại vaccine được sử dụng cuối cùng gây ra chứng ngủ rũ. Dù vậy, dữ liệu đến nay vẫn cho thấy tình trạng này không đủ nguy hiểm để ngừng tiêm chủng.
Stephen Griffin, trưởng nhóm nghiên cứu Antiviral & Viral Oncology tại Leeds, cho rằng: "Tôi khẳng định là việc tiếp tục tiêm chủng Covid-19 có lợi nhiều hơn so với đình chỉ chiến dịch, vì mối liên hệ (giữa vaccine và đông máu) rất nhỏ. Nguy cơ người dân mắc bệnh cao hơn nhiều so với bất cứ tác dụng phụ của bất kể loại vaccine nào".
Hậu quả nhãn tiền của việc ngừng dùng vaccine lớn hơn. Người dân đang trì hoãn tiêm chủng và không thể có miễn dịch.
Thục Linh (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao