Ông Malyshev lưu ý thực tế rằng trong những ngày không làm việc vừa qua, các phương tiện giao thông công cộng ở Moscow vẫn luôn chật kín người, dù rằng đã xuất hiện những người đeo khẩu trang, song với tỷ lệ rất ít, và “điều này không thể giúp cải thiện tình hình dịch tễ học, khi mà các biện pháp an toàn vệ sinh dịch tễ không được tuân thủ tuyệt đối” .
Tuy nhiên, người đứng đầu Viện Công cộng Nhà nước, ông Vladislav Sultanov cho biết hành khách vào tàu điện ngầm đã đeo khẩu trang, khi mà người dân bắt đầu hiểu tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp dịch tễ học trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong diễn biến liên quan, tại Nga vừa phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể Mu và một trường hợp nhiễm biến thể Lambda. Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ Trung ương thuộc Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), ông Vasily Akimkin ngày 1/11 đã xác nhận thông tin trên. Ông cũng đồng thời cho biết, biến thể Delta hiện chiếm ưu thế trong các ca bệnh ở Nga, cũng như trên thế giới. Đặc biệt, biến thể Iota gây chết người nhiều hơn đã được phát hiện vào mùa thu năm 2020, nhưng không có khả năng lây lan nhiều. Giới khoa học tại Nga cũng nghiêng về nhận định rằng các chủng virus mới gây bệnh Covid-19 không dễ lây nhiễm hơn so với chủng Delta đã được ghi nhận lâu nay.
Biến thể Mu xuất hiện lần đầu ở Colombia hồi tháng 1/2021 và vào ngày 30/8 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại đây là "biến thể đáng quan tâm". Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến di truyền cho thấy khả năng né tránh miễn dịch tự nhiên, các loại vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng hiện tại có thể không phát huy hiệu quả như chống lại virus gốc. Trước biến thể Mu, ngày 17/6, biến thể Lambda cũng được WHO xếp loại "đáng quan tâm", do biến thể này có liên quan tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng đáng kể ở nhiều quốc gia, tốc độ lây lan gia tăng theo thời gian đồng thời với tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 gia tăng.
Đến nay, biến thể Lambda đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia, lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở Peru, nơi các mẫu virus được ghi nhận sớm nhất vào tháng 12/2020.
Nga hiện đang đẩy nhanh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức ích lợi của tiêm chủng, so với những rủi ro nếu mắc phải virus gây bệnh. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 1/11 lại một lần nữa nhấn mạnh tiêm chủng vẫn là hình thức bảo vệ an toàn nhất. Theo ông , tỷ lệ người đã tiêm Covid-19 bị bệnh nặng là dưới 0,03%, trong khi phần lớn bệnh nhân phải nhập viện tại Nga là do không được tiêm chủng.
Số liệu thống kê ghi nhận ngày 1/11, tại Nga có 40.402 ca nhiễm mới, giảm chút ít so với con số kỷ lục 40.993 ca nhiễm được ghi nhận 1 ngày trước đó.