Những quốc gia lo sợ sẽ không có vắc xin Covid-19
Không phải tất cả mọi người trên thế giới đều vui mừng khi thấy hình ảnh những người đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19. Ở một số quốc gia như Zimbabwe, Mexico và Pakistan, cuộc chiến có được vắc xin có thể sẽ kéo dài và gian nan.
Chứng kiến vắc xin được tiêm chủng ở Anh, Lois Chingandu không hào hứng - cô lo lắng. Giống như hầu hết mọi người, cô mong được tiêm phòng và cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng không giống như nhiều người lúc này, cô chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Đất nước của cô, Zimbabwe, chưa rõ khi nào sẽ được chủng ngừa vắc xin Covid-19. "Bây giờ chỉ là vấn đề ngồi chờ và hy vọng chúng ta sẽ được tiêm. Tôi sống trong sợ hãi rằng mình sẽ mắc bệnh và chết vì Covid-19”, Chingandu tâm sự.
Chia sẻ nghe giống một lời nói phóng đại nhưng Chingandu từng chứng kiến điều tương tự xảy ra trước đây.
Chingandu làm trong lĩnh vực phòng chống HIV và vào cuối những năm 1990 ở Harare, thủ đô của Zimbabwe. Cô đã chứng kiến hàng nghìn người chết vì AIDS mỗi ngày. Thuốc có sẵn để ngăn chặn bệnh nhưng chỉ dành cho những người có đủ khả năng.
Hiện tại, cô Chingandu là thành viên của chiến dịch Liên minh Vắc xin Nhân dân.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ), một số quốc gia đã đảm bảo nguồn cung vắc xin nhiều hơn so với nhu cầu của mình. Canada đặt mua vắc xin để tiêm chủng cho số người gấp 5 lần toàn bộ dân số.
Các quốc gia này đã mạo hiểm trong việc hỗ trợ tài chính và mua vắc xin trước khi chúng chứng minh được hiệu quả.
Cô Chingandu và chiến dịch Vắc xin Nhân dân cho rằng quy trình này là không công bằng. Họ nói lượng vắc xin thừa nên được phân phối lại cho các nước khác.
Đến nay, 189 quốc gia đã đăng ký sáng kiến Covax, được hỗ trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm vận động vắc xin quốc tế. Mục đích của sáng kiến là hợp nhất các nước thành một khối để họ có nhiều quyền lực hơn trong việc đàm phán với các công ty dược phẩm.
92 trong số các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đó sẽ được các nhà tài trợ trả tiền mua vắc xin. Vương quốc Anh quyên góp nửa tỷ USD cho quỹ này. Mỹ và Nga là một trong số ít các nước không đóng góp. Các quốc gia còn lại sẽ mua vắc xin thông qua Covax và có thể nhận được các giao dịch tốt hơn so với việc tự thương lượng.
Cho đến nay, Covax đã đảm bảo các hợp đồng cho 3 loại vắc xin Covid-19 đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, hiện tại, chương trình sẽ chỉ đáp ứng đủ liều lượng cần thiết cho 20% dân số của một quốc gia.
Mexico là một trong những quốc gia sẽ mua vắc xin thông qua chương trình Covax. Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán vắc xin của Mexico, Martha Delgado, biết 20% dân số được tiêm vắc xin sẽ không đủ để ngăn tỷ lệ Covid-19 tăng vọt.
Bà Delgado đang cố hết sức để có thêm vắc xin bằng các cách khác. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. "Những tháng này rất quan trọng", bà nói.
“Ít nhất ở Mexico, chúng tôi có tiền để mua vắc xin. Tôi đã thấy các quốc gia khác trong khu vực Mỹ Latin không có đủ tiền để mua vắc xin ngay bây giờ".
Đối với nhiều quốc gia, Covax là giải pháp duy nhất hiện nay.
Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca cho biết, họ sẽ không thu lợi nhuận từ việc bán vắc xin cho các nước đang phát triển. Đây là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư của Covax, nhưng vắc xin trên vẫn chưa được phép sử dụng. Ngoài ra, một công ty sẽ không thể sản xuất đủ liều vắc xin cho 7,8 tỷ người trong vài tháng.
Giống như Mexico, Pakistan đã đàm phán với mọi nhà sản xuất vắc xin. Faisal Sultan, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về y tế, cho biết: "Chúng tôi chắc chắn đang cạnh tranh với các nước giàu hơn. Mọi người đều muốn ăn một chiếc bánh hữu hạn. Rõ ràng sẽ có một số chen lấn và xô đẩy”.
Ông Sultan nói, cho đến nay, các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp nhưng họ vẫn chưa mua bất kỳ liều vắc xin nào. Pakistan không đủ khả năng chi trả cho một loại vắc xin trước khi họ biết rằng nó sẽ hiệu quả.
"Đó là một điều xa xỉ. Tôi nghĩ rằng chỉ có một số quốc gia làm được điều này. Nếu chúng ta có thể chọn đúng thứ, sự kết hợp phù hợp, chúng ta sẽ ổn. Nhưng chúng ta không thể đặt cược mù quáng".
Lois Chingandu và Liên minh Vắc xin Nhân dân đang kêu gọi một điều cấp tiến hơn. Họ muốn các công ty sản xuất vắc xin chia sẻ sở hữu trí tuệ để có thể tạo ra các dạng vắc xin.
Chingandu nói: “Mọi người sẽ tiếp tục chết vì Covid-19, trong khi người dân ở các quốc gia khác có một cuộc sống bình thường”.
An Yên (Theo BBC)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao