'Ở cữ' sau sinh theo kiểu nhà giàu Trung Quốc
Ở cữ là một tập tục lâu đời của Trung Quốc. Theo đó, phụ nữ mới sinh con phải ở trong nhà để hồi phục sức lực. Phong tục này bắt nguồn từ 2.000 năm trước và đã ăn sâu vào văn hóa. Họ tin rằng nếu phớt lờ những quy tắc ở cữ, cơ thể sẽ mắc nhiều bệnh về sau như đau đầu, thấp khớp, viêm khớp...
Thời gian kiêng cữ vừa dài lại lắm quy tắc. Lý tưởng nhất, phụ nữ mới sinh không nên gội đầu, tắm rửa, tập thể dục, dùng điều hòa hoặc mang vác vật nặng, đồng thời phòng tránh cảm lạnh cũng như cảm xúc tiêu cực. Để chắc chắn, đích thân bà nội, bà ngoại sẽ chăm sóc mẹ và em bé, nấu những bữa ăn kiêng với nhiều gừng. Có những nhà thuê hẳn một nguyệt tẩu (yue sao) để chuyên làm công việc này. Một bà mẹ Hong Kong chia sẻ: "Chuyện kiêng cữ này thật khó khăn, nhưng sau khi đẻ tự nhiên mà không cần gây tê ngoài màng cứng, tôi nghĩ mình có thể vượt qua bất cứ thứ gì".
Đối với các gia đình giàu có, chuyện ở cữ sẽ thoải mái hơn. Ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục, những bà mẹ có thể dành cả tháng tại một phòng khám chuyên khoa với dịch vụ năm sao. Ví dụ, tại các phòng khám của Care Bay - một trong những trung tâm chăm sóc hậu sản nổi tiếng nhất Thượng Hải, các khách hàng phải chi từ 10.000 đến 49.000 USD một tháng, hay thậm chí 129.000 USD nếu ở phòng tổng thống tại cơ sở ở Bắc Kinh.
Trong thời gian này, các bà mẹ sẽ được y tá chăm sóc tận tình, hướng dẫn cách chăm con và tập yoga nhẹ nhàng. Nhiều cặp vợ chồng rất cảm kích khi được chỉ dẫn cách chăm em bé. Chính sách một con trước đây của Trung Quốc khiến họ không có em và thiếu kinh nghiệm chăm trẻ con. Thậm chí cả ông bà cũng hài lòng. "Tôi thấy mình phù hợp để làm doanh nhân hơn là y tá, nên tôi rất mừng vì không phải chăm con gái trong thời gian đó", một phụ nữ cho hay.
Johnny Han, giám đốc điều hành Care Bay, cho biết: "Chúng tôi muốn mang đến cho khách hàng bầu không khí rất thân thiện và dễ chịu. Đồng thời, chúng tôi muốn theo kịp thời đại. Ở đây, gội đầu là việc bắt buộc".
Han kể rằng gần đây một phụ nữ ở Thượng Hải đã chết vì quá coi trọng các quy tắc ở cữ. Vào những ngày hè nóng nực, cô vẫn đắp chăn bông, không bật điều hòa hay ra khỏi giường. Những quy tắc này không còn phù hợp do chúng bắt nguồn từ thời xưa. Khi đó, mọi người sống trong những ngôi nhà lạnh lẽo xây bằng bùn và lấy nước từ những giếng nước bẩn. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ ở Trung Quốc vẫn tôn trọng các quy tắc cũ và khắt khe, tùy theo lời dạy của mẹ họ hoặc nguyệt tẩu.
Mẹ và em bé được kiểm tra sức khỏe thường xuyên bởi các bác sĩ sản và bác sĩ y học cổ truyền. Các chuyên gia thường kê các loại thức uống thảo dược khác nhau tùy theo tình trạng của người mẹ. Bữa ăn luôn đầy ắp các món bổ dưỡng và được trình bày như nhà hàng cao cấp. Các y tá cũng có nhiều kinh nghiệm và thân thiện. Đó là những lý do khiến chi phí ở Care Bay đắt đỏ như vậy.
Nếu ở cữ tại gia, người mẹ cần thuê một nguyệt tẩu qua các công ty hoặc người quen giới thiệu. Nhờ có nguyệt tẩu, các bà mẹ không phải làm gì cả. Người này sẽ giúp họ chăm con và nấu ăn. Chế độ ăn sẽ tùy thuộc vào việc sinh thường hay sinh mổ và lượng máu bị mất khi người mẹ sinh con.
Theo truyền thống, trong tuần đầu tiên, mẹ nên ăn nhiều canh nóng, sau đó có thể ăn thịt gà ướp nghệ, cá hấp với ít muối và dầu mỡ. Các nguyệt tẩu thường bắt đầu ngày mới bằng việc đi chợ, mua cá tươi, đậu phụ, rau, gừng - những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không phải lúc nào cũng ngon miệng. Chi phí cho một nguyệt tẩu dao động từ 1.200 đến 2.000 USD một tháng (tương đương 28 đến 46 triệu đồng).
Mai Dung (Theo PlayTimes Hongkong)
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao