Dấu hiệu từ những nốt phát ban
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ đều tương tự như các dấu hiệu mắc bệnh đậu mùa. Ngay sau khi phát hiện triệu chứng, bệnh nhân này đang được theo dõi và chăm sóc, trong trường hợp không quá nghiêm trọng, sẽ được tiếp tục cách ly tại nhà riêng. Các trường hợp tiếp xúc gần sẽ nhận được thông tin từ cơ quan y tế về những việc cần làm để hạn chế sự lây lan của virus.
Kể từ đầu tháng 5, hàng chục trường hợp nghi ngờ hoặc xét nghiệm dương tính đã được phát hiện ở một số nước châu Âu và Bắc Mỹ. Trong vòng chưa đầy 2 tuần, 17 trường hợp trên tổng số hơn 50 ca nghi nhiễm đã được xét nghiệm bằng phương pháp PCR, có biểu hiện phát ban giống bệnh thủy đậu hoặc giang mai.
Khi bị nhiễm virus, người bệnh thường bị sốt cao, đau đầu, sưng hạch bạch huyết và nhức mỏi toàn thân. Sau khoảng 2 ngày, nốt phát ban phồng rộp xuất hiện, hình thành vảy khô gây ngứa ngáy và sau đó để lại sẹo. Nốt phát ban tập trung nhiều ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Châu Âu và Bắc Mỹ đối mặt với căn bệnh “trong lịch sử”
Cho đến nay, 9 trường hợp đã được ghi nhận tại Vương quốc Anh. Tại Bồ Đào Nha, đã phát hiện 5 trường hợp nhiễm bệnh; đặc biệt tại Lisbon - thủ đô của quốc gia này, khoảng 15 ca nghi nhiễm đang được tiến hành kiểm tra. Thụy Điển, cũng giống như Italia, mới chỉ phát hiện duy nhất 1 trường hợp cho đến thời điểm. Đáng lo ngại hơn, có tới 23 trường hợp nghi nhiễm đã được ghi nhận tại vùng Madrid, Tây Ban Nha.
Tại Hoa Kỳ, 1 bệnh nhân ở Massachusetts đã được xác nhận nhiễm bệnh, từng đi du lịch tại Canada, quốc gia đồng thời cũng ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính vào tối 19/5 vừa qua. Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu hiện vẫn chưa ghi nhận bất kỳ mối liên hệ nào. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự định công bố báo cáo đánh giá rủi ro đầu tiên “vào đầu tuần tới”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện đầu tiên tại các nước ở khu vực Trung và Tây Phi như Nigeria và Cameroon. Virus gây bệnh hiện tại vẫn còn khá hiếm gặp, được phát hiện lần đầu tiên trên cơ thể người vào năm 1970 tại Cộng hòa dân chủ Congo (trước đây là Zaire) ở một cậu bé 9 tuổi. Kể từ năm 1970, các trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại 10 quốc gia châu Phi.
Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng phát triển mạnh ở các vùng nhiệt đới và rừng núi. Thật ngạc nhiên, khi ngày nay chúng ta lại phát hiện ra các ca nhiễm tại các quốc gia ở vùng có khí hậu lạnh và đặc biệt trong các khu vực thành thị.
Bệnh lành tính, nhưng không nên chủ quan
Tại Pháp, theo nhà dịch tễ học Yves Buisson, “phải thật sự thận trọng với bệnh đậu mùa khỉ, vì tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so đại dịch Covid-19 gây ra”. Tuy nhiên, chuyên gia y tế này cũng cho biết rằng, thông thường các thủy đậu không có khả năng lây truyền như cúm hoặc Covid-19. Mặc dù vậy, đây vẫn là một vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe của người dân, bởi hiện nay Pháp đã không còn duy trì phương pháp tiêm vaccine phòng căn bệnh này như trước kể từ năm 1984, ông Yves Buisson phát biểu trong 1 cuộc phỏng vấn của báo TF1.
Cũng trong 1 cuộc phỏng vấn khác của BFMTV, nhà dịch tễ học đến từ Học viện Y khoa này cũng cho biết: “Bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ gây ra bởi những loại virus thuộc cùng 1 họ”. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, hiệu quả của loại vaccine phòng bệnh đậu mùa đạt tới 85%, nếu áp dụng cho bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ, hay còn gọi là orthopoxvirus simian, là 1 loại bệnh gây ra bởi virus lây truyền từ động vật sang người nếu tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, các tổn thương bị nhiễm bệnh cũng như các chất dịch sinh học. Các trường hợp nhiễm bệnh cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân tiếp xúc với môi trường sống của bệnh nhân trước đó như: giường ngủ, quần áo, bát đĩa, khăn tắm,...
Thời gian ủ bệnh có thể từ 5-21 ngày. Giai đoạn sốt kéo dài khoảng 1 đến 3 ngày. Căn bệnh này nói chung là lành tính, hầu hết thường tự khỏi, sau 2 đến 3 tuần.
Pháp đang có sẵn vaccine phòng ngừa
Hiện tại, Pháp vẫn duy trì 1 kho dự trữ vaccine chống lại bệnh đậu mùa với “hơn 70 triệu liều”, phòng trường hợp loại virus này xuất hiện trở lại trong cộng đồng. Theo thông tin từ báo La Tribune, con số có thể đã lên tới 82,3 triệu liều vào năm 2015.
Đây là vaccine được sử dụng tại Pháp trước những năm 1980. Một số ít được sản xuất từ những năm 1970 vẫn được Cơ quan An toàn y tế phẩm của Pháp kiểm soát ở chất lượng hoàn toàn bảo đảm. Những liều vaccine này sẽ được tiến hành tiêm chủng cho người dân trong trường hợp tình hình bệnh đậu mùa khỉ trở nên nghiêm trọng hơn trên toàn lãnh thổ.
Hiện nay, vaccine Imvanex được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch, phòng ngừa cho những cuộc khủng hoảng sức khỏe trên diện rộng. Cơ quan Thuốc châu Âu đã cấp chứng nhận cho vaccine Imvanex bảo đảm hiệu quả trong việc phòng bệnh đậu mùa. Tại Hoa Kỳ, loại vaccine này được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm cấp phép bán trên thị trường với tên gọi “Jynneos”, chống lại cả bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ. Trong trường hợp cần thiết, Pháp sẽ xem xét đặt hàng loại vaccine thế hệ thứ ba này.
“Việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa rất hữu ích, nhưng điều cấp thiết bây giờ là phải hiểu các cách thức lây truyền của căn bệnh này. Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ thường lây truyền từ động vật sang người. Nhưng hiện nay, tình hình đã hoàn toàn khác. Bệnh đậu mùa khỉ dường như đã lây truyền từ người qua người”, ông Yves Buisson nhấn mạnh.