Thị trường nghìn tỷ USD vẫn đóng cửa với Boeing
Boeing vừa vượt qua cơn “bĩ cực” sau khi dòng máy bay đình đám 737 MAX được nhiều nước cho phép quay trở lại bầu trời. Cùng lúc, lưu lượng vận tải hàng không thế giới khởi sắc, kích thích thị trường mua bán máy bay. Tuy nhiên, hồi “thái lai” của nhà sản xuất máy bay Mỹ vẫn chưa thể đến khi vấp phải “cửa ải” Trung Quốc.
“Tảng đá lớn’ chưa thể vượt qua
Trung Quốc đã và đang là một trong những thị trường mua máy bay lớn nhất, quan trọng nhất. Ước tính, Trung Quốc sẽ mua 8.600 máy bay mới tương đương 1,4 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới.
Song, trong thời gian Mỹ - Trung bùng nổ thương chiến kể từ năm 2017, chỉ có 1% lượng đơn đặt hàng của Boeing đến từ các đơn vị của Trung Quốc.
Đồng thời, dù Boeing đã xử lý những vấn đề liên quan kỹ thuật trên máy bay 737 MAX nhưng Trung Quốc vẫn là một trong ba thị trường chưa cấp phép cho dòng máy bay này trở lại bầu trời. Hai nước còn lại là Ấn Độ và Nga.
Giải thích về việc chưa cho phép 737 MAX quay trở lại bầu trời, ông Dong Zhiyi, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết, Boeing vẫn chưa giải quyết những vấn đề an toàn đáng ngại về 737 MAX mà CAAC đưa ra.
Ba tiêu chí chính để Bắc Kinh cấp phép cho 737 MAX bay trở lại đó là: Mọi thay đổi trong thiết kế để giải quyết vấn đề trên dòng máy bay này phải được chính quyền Trung Quốc thông qua; phải đào tạo lại phi công điều khiển máy bay theo những thay đổi mới và phải có kết luận điều tra rõ ràng về vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX tại Ethiopia và Indonesia.
Chính vì vậy, hiện tại “cánh cửa” cho Boeing 737 MAX vào thị trường máy bay lớn nhất thế giới vẫn đóng chặt. Kể từ khi 737 MAX được hoạt động trở lại, lượng máy bay Boeing giao cho Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất so với các thị trường khác trên thế giới.
Theo thông báo của Boeing tuần vừa rồi, trong tháng 5, hãng đã giao 17 máy bay bao gồm 10 máy bay 737 MAX và 5 máy bay chở hàng nhưng không có phương tiện nào được giao cho hãng hàng không hoặc công ty cho thuê máy bay của Trung Quốc.
Theo hãng tin CNN, trong một bài phát biểu trước các nhà đầu tư, CEO Boeing, ông Dave Calhoun thừa nhận, thời gian qua, nhà sản xuất máy bay của Mỹ đã và đang phải vượt qua 3 “ngọn núi” cực cao là: Tình trạng dòng máy bay 737 MAX phải “đắp chiếu”, hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 và Trung Quốc. Tuy Boeing đã xử lý được 2 vấn đề đầu nhưng họ vẫn chưa thể vượt qua thách thức tại Trung Quốc.
Ông Dave Calhoun bày tỏ hy vọng, Trung Quốc có thể dỡ bỏ lệnh cấm bay với Boeing 737 MAX trong quý II/2021.
Mặt khác, Boeing đã đưa vấn đề này lên chính quyền Mỹ Joe Biden. Theo hãng tin Reuters, Boeing đã thuyết phục chính quyền Washington tách bạch vấn đề nhân quyền cùng một số mâu thuẫn chính trị khác ra khỏi quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Boeing cũng cảnh báo, đối thủ Airbus ở châu Âu đang tranh thủ tận dụng cơ hội giành thị trường khi hãng sản xuất máy bay của Mỹ gặp khó tại Trung Quốc. CEO Boeing khẳng định, nếu để tình hình này tiếp diễn quá lâu, Boeing sẽ phải trả giá.
“Chìa khóa” nằm trong tay Washington
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu quan hệ thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, khả năng 737 MAX được quay lại bầu trời Trung Quốc sẽ rất xa vời và Boeing khó có triển vọng mở rộng thị trường tại đất nước tỷ dân.
Ông Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không vũ trụ của Tập đoàn Teal cho biết, mặc dù ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa tăng thuế hoặc áp rào cản thương mại với máy bay Mỹ nhưng khi lựa chọn nhà sản xuất, các hãng hàng không Trung Quốc luôn đi theo định hướng của chính phủ. Do đó, căng thẳng thương mại có thể là một trong những lý do khiến giới chức hàng không Trung Quốc đến giờ vẫn chưa cấp phép cho 737 MAX hoạt động trở lại.
“Tập đoàn Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã làm tốt công việc đảm bảo an toàn cho không phận Trung Quốc nhưng điều đó cũng chứng minh họ không phải cơ quan độc lập”, nhà phân tích cho biết thêm.
Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Shi Yinyong, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, hiện đang là cố vấn cho Quốc vụ viện cho biết: “Một số công ty lớn tại Mỹ đang rất muốn duy trì hoạt động kinh doanh trên thị trường Trung Quốc, thậm chí mở rộng quy mô tại đây nhưng hiện tại, họ chỉ đóng vai trò tương đối nhỏ trên chính trường Mỹ”.
Theo ông Shi Yinyong, nếu không thể thuyết phục được chính phủ Mỹ thay đổi chính sách với Bắc Kinh thì việc Boeing có thể duy trì được tình trạng kinh doanh như hiện nay tại Trung Quốc đã là may mắn, chứ đừng mong mở rộng tại thị trường Trung Quốc trong tương lai.
Các hãng bay Trung Quốc bí mật đặt máy bay của Boeing?
Ông Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không vũ trụ của Tập đoàn Teal cho rằng, có khả năng, số đơn hàng mua máy bay Boeing từ Trung Quốc cao hơn con số 1% được công bố chính thức. Bởi nhiều đơn mua máy bay của Boeing là từ những đơn vị không công bố danh tính hoặc công ty cho thuê máy bay. Có thể, đích đến cuối cùng của số máy bay này chính là thị trường Trung Quốc.
Trang Trần
Đọc tiếp cùng chuyên mục
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tin quốc tế - 09/05/2024
AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Tin quốc tế - 24/10/2023
Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
Tin quốc tế - 06/10/2023
Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tin quốc tế - 12/05/2023
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao
Tin quốc tế - 05/04/2023
WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao