Nghệ sĩ Hoài Linh "om" tiền từ thiện nửa năm: Có thể kiện ra tòa

Trong trường hợp người ủy thác không đồng tình với việc nghệ sĩ Hoài Linh "om" tiền từ thiện, có thể gửi đơn ra Tòa án dân sự để giải quyết.
Nghệ sĩ Hoài Linh
Nghệ sĩ Hoài Linh "om" tiền từ thiện cho người dân lũ lụt miền Trung khiến cộng đồng mạng dậy sóng phản đối

Người ủy thác đóng góp từ thiện có thể kiện ra tòa

Trước ồn ào quanh việc nghệ sĩ Hoài Linh giữ khoảng 14 tỉ đồng tiền từ thiện trong nửa năm mà chưa trao cho người dân bị lũ lụt miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng, danh hài này đã vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bện nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 25/5, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc cá nhân đứng ra kêu gọi để quyên góp này phải được hiểu là giao dịch dân sự, trong đó người dân thông qua và ủy quyền cho nghệ sĩ Hoài Linh để thực hiện việc chuyển tiền và hàng đến người dân bị lũ lụt.

“Việc huy động và đóng góp này trên sơ sở tự nguyện các bên, theo thỏa thuận dân sự. Nếu một bên không thực hiện đúng theo thỏa thuận ban đầu thì sẽ được coi là vi phạm; Trừ khi có lý do dẫn đến trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật”, ông Hưng dẫn giải.

Cũng theo vị Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, trong trường hợp người ủy thác đóng góp không hài lòng với lý do mà nghệ sĩ Hoài Linh đưa ra có thể nộp đơn lên Tòa án dân sự để được giải quyết.

Phải trả đủ gốc, lãi và bồi thường thiệt hại nếu có

Phân tích sâu hơn, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản nào thì thuộc về chủ sở hữu tài sản đó. Khi chủ sở hữu đồng ý chuyển tài sản đó cho người khác hưởng thụ thì người hưởng thụ sẽ được sở hữu hoa lợi, lợi tức đó.

"Việc thực hiện hoạt động từ thiện kéo dài khiến phát sinh các khoản lãi suất từ khoản tiền đó thì lãi suất cũng thuộc về người được hưởng số tiền đó là đồng bào miền Trung. Nghệ sĩ Hoài Linh có trách nhiệm phải chuyển giao toàn bộ số tiền gốc và lại cho đồng bào miền Trung trong thời hạn sớm nhất có thể. Ngoài ra nếu việc thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền không kịp thời, gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung thì nghệ sĩ Hoài Linh còn phải chịu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật", vị Luật sư nói.

Lý do dịch bệnh: Không thuyết phục

Vậy có thể coi dịch bệnh Covid-19 mà nghệ sĩ Hoàng Linh dẫn ra là lý do bất khả kháng, khiến việc trao tiền từ thiện chưa thể thực hiện? – PV Báo Giao thông tiếp tục đặt câu hỏi.

“Chuyện này phải xem lại thời điểm dịch xảy ra từ bao giờ, các địa phương nơi đi và đến có các quy định giới hạn hay không, từ khi nào?”, ông Hưng cho hay.

Trước đó, sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, ngày 24/5, nghệ sĩ Hoài Linh chính thức thông tin: Vào dịp Tết Nguyên đán, đoàn của danh hài đã lên kế hoạch đi trao tiền cứu trợ cho người dân miền Trung bị lũ lụt nhưng dịch Covid-19 bùng phát nên phải hoãn và dời sang thời gian từ ngày 10/5 - 17/5, cuối cùng vẫn chưa thực hiện vì dịch lại bùng phát đợt 4.

Tuy nhiên, lý do trên được cho là chưa thuyết phục bởi dịch bùng phát dịp Tết Nguyên đán và vào tháng 5/2021, song thời điểm nghệ sĩ Hoài Linh chốt nhận tiền từ thiện cứu trợ bà con miền Trung vào ngày 11/11/2020. Vậy trong khoảng thời gian trước và giữa các đợt dịch tại sao danh hài không tổ chức đi cứu trợ đồng bào miền Trung?

Một minh chứng khác cũng được cộng đồng mạng "bóc mẽ" khi dẫn lại việc nam danh hài tham dự nhiều chương trình tụ tập đông người như Lễ Giỗ tổ ngành Phun xăm thẩm mỹ diễn ra vào ngày 22/3; Hay trước ngày 19/1/2021 (tức ngày 7 tháng Chạp năm Canh Tý) nghệ sĩ này cùng nhãn hàng mình quảng cáo tới tỉnh Điện Biên để trao 500 phần quà!

Lỗ hổng pháp lý về hoạt động từ thiện

Nhìn từ câu chuyện của nghệ sỹ Hoài Linh và nhiều vụ việc từ thiện gây ồn ào trước đó như MC Phan Anh, ca sỹ Thủy Tiên, ông Võ Thành Hưng thừa nhận sau thời gian thực hiện, Nghị định Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã lộ nhiều bất cập.

Đặc biệt, văn bản này không áp dụng đối với các trường hợp kêu gọi quyên góp làm từ thiện do cá nhân thực hiện, trong khi đây lại là phương thức phổ biến đang được áp dụng.

Chính vì vậy, trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 64, đã đưa thêm quy định tạo mọi điều kiện huy động nguồn lực xã hội hóa vào công tác từ thiện.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về thời gian thực hiện sau khi kết thúc vận động đối với cá nhân để hạn chế hành vi trục lợi.

“Bộ Tài chính sẽ cố gắng trình sớm dự thảo trong thời gian tới còn khi nào ban hành Nghị định mới sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ”, ông Hưng cho biết.

Hoàng Ngân

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công tàu cá cùng 13 ngư dân bị nạn trên vùng biển Cô Tô

Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công tàu cá cùng 13 ngư dân bị nạn trên vùng biển Cô Tô

Tin trong nước - 24/12/2024

Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công tàu cá cùng 13 ngư dân bị nạn trên vùng biển Cô Tô

Nam sinh lớp 10 bị bạn học hành hung giữa sân trường

Nam sinh lớp 10 bị bạn học hành hung giữa sân trường

Tin trong nước - 19/12/2024

Nam sinh lớp 10 bị bạn học hành hung giữa sân trường

Lội nước lụt, 2 học sinh ở Quảng Nam đuối nước thương tâm

Lội nước lụt, 2 học sinh ở Quảng Nam đuối nước thương tâm

Tin trong nước - 16/12/2024

Lội nước lụt, 2 học sinh ở Quảng Nam đuối nước thương tâm

Cô gái xương thủy tinh sắp thành tân kỹ sư nhờ đôi chân của mẹ

Cô gái xương thủy tinh sắp thành tân kỹ sư nhờ đôi chân của mẹ

Tin trong nước - 09/12/2024

Cô gái xương thủy tinh sắp thành tân kỹ sư nhờ đôi chân của mẹ

Hỗ trợ đột xuất gia đình 5 học sinh đuối nước tử vong tại Phú Thọ

Hỗ trợ đột xuất gia đình 5 học sinh đuối nước tử vong tại Phú Thọ

Tin trong nước - 21/11/2024

Hỗ trợ đột xuất gia đình 5 học sinh đuối nước tử vong tại Phú Thọ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới