14 ngày trên giường bệnh của nữ sinh nhận tin mắc Covid-19 đúng sinh nhật
Trong nửa tháng qua, bệnh nhân 71 tên D. (sinh năm 2001) luôn khiến người xung quanh ngạc nhiên về sự lạc quan của cô dù đang phải cách ly trong Khoa Nội, BV Nhiệt đới Trung ương.
Cô gái Hà Nội chia sẻ, tâm lý lạc quan và tin tưởng vào bác sĩ là những yếu tố quan trọng góp phần giúp cô sớm có kết quả âm tính với SARS-CoV2.
Tháng 1/2020, D. sang Anh du học trong 1 học kỳ. Sau đó, dự kiến tháng 8/2020, cô sang Mỹ để học tiếp. Tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, mọi thứ đã không còn như dự tính của D.
"Tại Anh, thời điểm đó, người dân còn khá chủ quan về dịch bệnh này. Khu em ở có nhiều người già và số ca nhiễm bệnh khá cao nên em rất lo ngại. Em quyết định đặt vé về nhà", D. nhớ lại.
Ngày 15/3, cô lên máy bay, 16/3 về đến Việt Nam. "Bố mẹ sốt ruột vô cùng vì sợ em không về kịp. Em cố trấn an mọi người: 'Về đến Việt Nam là nhà, mọi thứ sẽ ổn thôi.'", nữ du học sinh kể.
Những ngày trên giường bệnh
Đáp chuyến bay xuống Việt Nam, D. được lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, nữ sinh được đưa về khu cách ly tại Sơn Tây.
Ngày 17/3, đúng sinh nhật của cô, khi đang trong phòng cách ly, D. được một sỹ quan gọi ra hành lang để trao đổi. Cô nhận kết quả dương tính SARS-CoV2 với tâm trạng khá bình tĩnh.
"Em đã chuẩn bị tinh thần từ trước dù triệu chứng không rõ ràng, chỉ ho ít, không sốt. Lúc này, điều em sợ nhất không phải là mình nhiễm mà có thể đã lây cho người khác", D. tâm sự.
Những bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Trước đó, khi lên máy bay, D. liên tục đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc. Ở khu cách ly, ngày đầu tiên, cô ở phòng có 5 người. Sau đó, D. chuyển sang phòng 16 người, có những người trên 50 tuổi.
Dù giữ khoảng cách nhưng cô gái Hà Nội vẫn lo lắng mình có thể lây cho ai đó. Khi mọi người có kết quả âm tính, D. mới trút được gánh nặng tâm lý.
Tối 17/3, D. được chuyển sang điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương.
Mắc dịch bệnh khiến nhiều người lo sợ nhưng D. vẫn bình tĩnh. Cô cố tìm niềm vui và sự lạc quan cho mình trong suốt thời gian chữa bệnh.
Khi nhận phòng, D. được xếp vào chiếc giường cạnh cửa sổ, có khoảng không khi nhìn ra ngoài. "Điều này cũng khiến tâm trạng em tốt hơn. Không biết có phải nhờ vậy mà em khỏi nhanh hơn không", D. cười nói.
Tại phòng điều trị, 5 bệnh nhân ở trên những chiếc giường cách nhau 2m. Họ thường xuyên phải đeo khẩu trang, ngay cả lúc ngủ. Hàng ngày D. được kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe vào sáng và chiều. Sau đó, các bệnh nhân nhận thuốc để uống.
Mỗi lần đi chụp X-quang, D. đều phải mặc đồ bảo hộ khi di chuyển đến phòng chụp. Thời gian còn lại trong ngày, các bệnh nhân không được ra khỏi phòng.
D. tuân thủ mọi quy định, chỉ dẫn của bác sĩ. "Em cố gắng ăn đầy đủ và tranh thủ thời gian vận động để tăng sức đề kháng. Các món ở đây khá đa dạng và giờ ăn còn khoa học hơn khi em đi du học", D. nói.
Nhờ nỗ lực bản thân, tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ và suy nghĩ tích cực, tình trạng D. tiến triển rất tốt.
Ban đầu, nữ sinh mệt, có triệu chứng ho ít, không sốt. Sau 1 tuần vào viện, cô đã 3 lần có kết quả âm tính. Hiện, D. đã được chuyển lên khu cách ly dành cho bệnh nhân âm tính.
Là người thích giao lưu, gặp gỡ mọi người, khi phải cách ly, bệnh nhân 71 không cảm thấy buồn chán mà dành thời gian đó để học một ngôn ngữ mới.
Món quà trong khu cách ly
"Đôi khi trong cái rủi có điều may, khi rơi vào tình huống này, em cảm nhận rõ rệt hơn về tình cảm gia đình, bạn bè", D. chia sẻ.
"Khi đi du học, em phải tự lo cho bản thân. Nhưng về đến Việt Nam, ngày em nhận kết quả, bố mẹ đang định lên Sơn Tây nhưng biết em sắp phải chuyển về Đông Anh lại vòng về đấy để chờ. Bố mẹ đợi suốt 3 tiếng đồng hồ chỉ để đưa một số đồ thiết yếu và để em vững tâm hơn", cô kể.
D. nói, em cũng cảm nhận được tình cảm từ những người xa lạ: "Sau khi nhận kết quả, em đang đứng ở hành lang khu cách ly Sơn Tây, một bạn nữ du học sinh tại Pháp bước ra. Chúng em đứng cách xa nhau, bạn đột nhiên chúc mừng sinh nhật và tặng một món quà, khiến em rất bất ngờ’.
Món quà là một chiếc đồng hồ hẹn giờ để nấu ăn. "Có lẽ bạn đã mua từ Pháp mang về Việt Nam. Không hiểu sao bạn biết ngày sinh của em, không thể ra ngoài mua quà, bạn đã dùng nó để tặng em", D. nói.
Ấn tượng nhất với D. là ngày cô và một số bệnh nhân được công bố kết quả khỏi bệnh.
"Hôm đó, mọi người được xuống cổng bệnh viện để chụp ảnh lưu niệm. Rất lâu rồi, em không được ra ngoài. Xuống dưới sảnh, thấy gió thổi vào người, em hạnh phúc vô cùng. Thời gian ngắn nhưng em cảm nhận rõ rệt sự quý giá của sức khỏe và sự sống", D nói.
Nếu tình hình ổn định, nữ sinh này sẽ sang Mỹ để tiếp tục việc học vào tháng 8.
"Những ngày đã qua, với em như một trải nghiệm quý giá", cô tâm sự.
Ngọc Trang - Nguyễn Liên Ảnh: Lê Anh Dũng
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo