Ai nên tầm soát tiền đái tháo đường?
Chia sẻ nhân ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11, giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết tiền đái tháo đường là tình trạng nồng độ đường máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường type 2. Nghiên cứu cho thấy mỗi năm 11% người tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường.
Tiền đái tháo đường liên quan đến nguy cơ biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Trong các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, biến chứng trên tim mạch là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất, với biểu hiện lâm sàng là bệnh mạch vành và đột quỵ. Ở thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường, các biến chứng mạch máu lớn đã tồn tại từ trước đó, trong giai đoạn tiền đái tháo đường. Nguy cơ tim mạch tăng khoảng 20% ở người tiền đái tháo đường so với người bình thường.
Theo giáo sư Dàng, tiền đái tháo đường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền đái tháo đường trước khi mắc đái tháo đường mà không hề hay biết. Việc khám và tầm soát tiền đái tháo đường chưa được người dân chủ động thực hiện.
Có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau góp phần vào việc phát triển tiền đái tháo đường, bao gồm tuổi tác, lười vận động, chế độ ăn không lành mạnh và hút thuốc. Tiền sử bệnh trong gia đình và di truyền cũng đóng vai trò quan trọng.
Người từ 45 tuổi, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, người thừa cân với chỉ số BMI từ 23 trở lên, có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường. Cần cảnh giác khi có một trong các yếu tố như tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường, tiền sử bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu, không hoặc ít hoạt động thể lực, phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Thường xuyên ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến hoặc uống đồ uống có đường và không ăn theo khuyến nghị các loại trái cây, rau, quả, hạt, ngũ cốc nguyên hạt cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người mắc tiền đái tháo đường nên tầm soát định kỳ hàng năm. Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, nên tầm soát ít nhất mỗi ba năm. Các bệnh nhân khác nên tầm soát từ 45 tuổi, lặp lại ít nhất mỗi ba năm nếu kết quả bình thường.
"Phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực từ giai đoạn mầm mống, tức tiền đái tháo đường, sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2, dự phòng các biến chứng tim mạch và biến chứng khác do tăng glucose máu", giáo sư Dàng nói.
Nhiều người mắc tiền đái tháo đường có thể hồi phục và quay trở về mức đường huyết bình thường thông qua điều chỉnh lối sống, gồm hoạt động thể lực 150 phút mỗi tuần, giảm cân, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo, ngưng hút thuốc lá. Nếu vẫn không kiểm soát được đường huyết với các biện pháp thay đổi lối sống trong vòng 3-6 tháng, cần điều trị bằng thuốc.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế năm 2019, khoảng 8,6% người Việt mắc tiền đái tháo đường, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với số bệnh nhân đái tháo đường. Dự báo đến năm 2045, khoảng 7,9 triệu người Việt bị tiền đái tháo đường, tăng 47% so với năm 2019.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo