Bác sĩ ICU Đà Nẵng: 'Không dám nghe điện thoại của con'
Vừa bước xuống từ xe đặc chủng, rảo bước về khu nghỉ tập trung sau một ngày làm việc mệt nhoài, chuông điện thoại của bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, 33 tuổi, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Đà Nẵng, reo liên tục. Trên màn hình điện thoại, ảnh vợ và cô con gái của anh nhấp nháy. Chắc hẳn, bé Mina canh đúng giờ ba về tới cơ quan để gọi điện.
Hôm qua, cô bé khóc mọng mắt, nũng nịu hỏi đi hỏi lại "Răng ba đi lâu rứa? Khi mô ba về với em?". Ông bố trẻ lặng im.
"Tôi không dám nghe máy nhiều, vì lần nào gọi, con cũng khóc đòi ba. Tôi chẳng biết sẽ kết thúc cuộc gọi ra sao trong tiếng nấc của con. Thôi về rồi tính sau", bác sĩ nói, giọng trầm ngâm.
Đã gần một tháng qua, bác sĩ Hiếu chưa được gặp gia đình, dù nơi làm việc cách nhà chỉ chục phút chạy xe máy. Ngày 24/7, Đà Nẵng ghi nhận "bệnh nhân 416" là ca nhiễm nCoV đầu tiên trong cộng đồng. Anh đang trực, nhận lệnh cách ly luôn tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bác sĩ không kịp tạt qua nhà ôm thơm, chia tay cô công chúa nhỏ, dù "nghiện con vô cùng".
Khi đơn nguyên Hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thành lập, anh tạm chuyển viện, cùng các đồng nghiệp từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, ra chi viện phụ trách điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Đây là nơi điều trị bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc can thiệp ECMO - hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (còn gọi là hệ thống tim phổi nhân tạo).
Bác sĩ Hiếu kể, lần đầu tiên đứng giữa ICU, xung quanh toàn là bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch, anh hít một hơi thật sâu rồi hối hả cùng đồng nghiệp cứu bệnh nhân. Cuộc chiến cứ như vậy bắt đầu. Không sợ hãi, chỉ có nỗ lực đến cùng.
Mới đầu, bọc kín mình nhiều giờ liền trong những bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân khiến anh và đồng nghiệp cảm thấy vướng víu, vụng về. Mỗi khi thay đồ, mồ hôi nghe mặn chát lưng áo, nhỏ từng dòng xuống đất. Có y bác sĩ sốc nhiệt, mất nước, ngất.
"Song ai cũng hiểu, đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân, đồng đội và người bệnh khỏi lây nhiễm chéo, nhiễm trùng nhiễm khuẩn nên chẳng than thở nửa lời", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Hiếu, khó khăn nhất của đội ngũ y tế là đợt dịch này số lượng bệnh nhân nặng đông. Riêng ICU Bệnh viện Phổi có 14 ca nặng. Trong đó hai bệnh nhân đang chạy ECMO, bốn bệnh nhân rất nguy kịch. Với một ca ECMO bình thường ở Mỹ, có 8 đến 9 điều dưỡng thường trực. Tại tâm dịch Đà Nẵng, mỗi tua trực chỉ có bốn điều dưỡng, vừa thực hiện y lệnh của bác sĩ, vừa lo ăn uống, vệ sinh cá nhân cho nhóm bệnh nhân. Nhiều người bệnh nằm bất động, cơ thể nối nhiều dây nhợ, máy móc hỗ trợ nên việc xoay trở tương đối vất vả.
Thêm vào đó, bệnh nhân hầu hết đã lớn tuổi, nhiều bệnh lý nặng kèm theo, nên khi nhiễm virus, diễn biến bệnh trong ngày khó đoán trước. Do đó, lực lượng y tế dù mỏng cũng phải phản ứng rất nhanh, túc trực sát sao bên cạnh. Mọi biến đổi nhỏ về sinh hiệu hay xét nghiệm người bệnh phải được ghi nhận và xử lý kịp thời.
Mỗi tua trực kéo dài 6 tiếng. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi người cũng hết ca đúng giờ. Bởi bệnh nhân chuyển xấu nhanh, guồng cấp cứu cuốn bác sĩ và y tá chạy quên thời gian. Đến lúc bệnh nhân ổn, ngẩng đầu nhìn đồng hồ mới thấy quá giờ cơm trưa, cơm tối từ bao giờ.
Sống và làm việc lâu ngày trong môi trường áp lực, bác sĩ nói, mình đã tự rèn tinh thần thép và khả năng ứng biến tốc độ. Các tình huống bất ngờ cũng thôi làm "thót tim" bác sĩ. Trường hợp nào sau đó cũng được đưa ra bàn bạc và chuẩn bị phương án ứng phó, xử lý phù hợp.
Bác sĩ Hiếu cho biết: "Công việc nặng, kéo dài liên tục và áp lực phơi nhiễm, xa nhà, nhớ con cũng khiến mọi người căng thẳng. Chúng tôi đã làm việc bằng 200%, 300% sức lực".
Bù đắp lại nỗi vất vả của y bác sĩ là niềm hạnh phúc khi bệnh nhân khá lên từng ngày. Mới đây, một bệnh nhân từng phải chạy ECMO, tiên lượng tử vong, đã được chữa khỏi Covid-19. Đồng hành với bệnh nhân cả phút giây cận tử, bác sĩ Hiếu tâm sự, anh rất xúc động chứng kiến bệnh nhân hồi phục kỳ diệu. Lúc tỉnh mê, người đàn ông đã nắm tay anh và nói lời cảm ơn. Ông tự hào vì con mình cũng chọn học ngành y để cứu người.
Hiện, thiết kế đơn nguyên ICU, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 14 giường hồi sức cao cấp. Trang thiết bị y tế đủ năng lực thu dung thêm các bệnh nhân nặng trên địa bàn. Riêng ECMO có thể tiếp nhận thêm 3 đến 4 ca nữa. Ngoài ra, đơn nguyên sẵn sàng mở rộng quy mô, tăng công suất lên cao hơn nếu dịch bệnh phức tạp thêm. "Tín hiệu mừng là ca nặng không tăng lên, chỉ tăng bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Tình hình vẫn trong tầm kiểm soát", bác sĩ khẳng định.
"Tôi chỉ mong dập dịch sớm, bệnh nhân mau khỏi bệnh và được về nhà ôm con", bác sĩ Hiếu mong mỏi.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo