Bác sĩ nhảy việc không chỉ vì thu nhập

Làm tại khoa hiếm muộn một bệnh viện Hà Nội, 6 năm kinh nghiệm, bác sĩ Phạm Thành Sơn mỗi ngày khám 60 bệnh nhân, thu nhập tháng gồm lương và phụ cấp 12 triệu đồng.

Ca làm việc của bác sĩ Sơn từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, anh chạy "chân trong, chân ngoài", làm thêm tại phòng khám 3 tiếng mỗi tối, khám chừng 25 người. Thời gian dành hết cho công việc, hầu như không còn cho gia đình. 

"Ngày viết đơn xin nghỉ việc, tôi cân nhắc rất nhiều. Vào được viện công không phải dễ, hơn nữa cái mác làm nhà nước cũng có sức nặng lắm", Sơn nhớ lại những ngày cân não trước khi quyết định rời bệnh viện. 

Cuối cùng Sơn quyết định bỏ viện công nhưng cũng không làm thuê cho viện tư. Anh vay thêm tiền phát triển phòng khám riêng ở Hà Nội. Đến nay, bác sĩ đã chữa hơn 900 cặp vô sinh hiếm muộn có thai tự nhiên. Anh cũng tự đặt ra cho mình những mục tiêu như không chữa bệnh nhân quá 6 tháng, 100% có thai tự nhiên và không một ca nào điều trị quá 20 triệu đồng, trong khi chi phí IVF (thụ tinh ống nghiệm) hay IUI (bơm tinh trùng vào tử cung), lên đến 80-100 triệu đồng. 

Sau khi nghỉ việc, bác sĩ Sơn dành toàn bộ thời gian phát triển phòng khám, giúp đỡ cặp vô sinh hiếm muộn có thai tự nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau khi nghỉ việc, bác sĩ Sơn dành toàn bộ thời gian phát triển phòng khám, giúp đỡ cặp vô sinh hiếm muộn có thai tự nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngành y khoa học 6 năm, thêm hai năm định hướng chuyên khoa, hoặc 3 năm nội trú, thời gian học dài gấp đôi các ngành khác, vì thế y bác sĩ cho rằng sự đãi ngộ cần xứng đáng. Bác sĩ trẻ mong có thu nhập tốt hơn, trong khi các thầy thuốc nhiều kinh nghiệm muốn có môi trường linh hoạt và được trọng dụng.

Gắn bó với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ ngày đầu ra trường, một bác sĩ gần 50 tuổi, đang là trưởng khoa và có phòng khám riêng vẫn quyết định nghỉ việc. Anh nói tiền không phải lý do chính để rời viện công. 

"Trong nghề, những người có cùng bằng cấp không đồng nghĩa cùng trình độ. Ở bệnh viện công, họ hưởng mức đãi ngộ như nhau, không tránh khỏi sự so sánh. Sang viện tư, chế độ cho mỗi người mỗi khác", bác sĩ nói. 

Bệnh viện công đông bệnh nhân, lượng việc nhiều nhưng tiền lương của bác sĩ cố định. Còn ở viện tư, lương bác sĩ được tính theo lương cứng và phần trăm doanh thu. Người càng có uy tín, có nhiều bệnh nhân thì càng được lương cao. "Nhưng không phải ai ra làm tư cũng có nhiều tiền, bởi ở viện tư thì đòi hỏi chuyên môn rất cao. Quyền lợi chỉ tương xứng với năng lực", bác sĩ nói. 

"Tôi có chuyên môn, có kinh nghiệm, lý do chuyển sang viện tư chủ yếu là muốn thay đổi môi trường. Quan trọng là tôi vẫn làm việc, vẫn cống hiến cho ngành y để giúp các gia đình được mẹ tròn con vuông", anh chia sẻ. 

Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 100 - 150 ca cấp cứu mỗi ngày nên luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh:Giang Huy
Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 100 - 150 ca cấp cứu mỗi ngày nên luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh:Giang Huy

Những năm gần đây, nhiều bác sĩ ở các bệnh viện công nghỉ việc để chuyển sang khu vực tư nhân. Năm 2017, nhiều bác sĩ ở Đà Nẵng ồ ạt chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư trong khi viện công quá tải do bệnh nhân ngày càng tăng. Năm 2018, Đồng Nai có 97 bác sĩ nghỉ việc. Hai tháng đầu năm 2019, con số này là 19 người. Nhóm bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất thường trẻ, có 2 đến 5 năm kinh nghiệm. Đây là hai tỉnh số bác sĩ nghỉ việc nhiều, lãnh đạo tỉnh phải lên tiếng cảnh báo tình trạng này và tìm giải pháp giữ người.

Các tỉnh thành khác như TP HCM, Hà Nội... đều ghi nhận số bác sĩ nghỉ bệnh viện công sang làm cho tư nhân khá nhiều.

Một bác sĩ kiêm nhà quản lý ở bệnh viện đa khoa công lớn nhất Hà Nội cho biết trong năm qua có khoảng 10 bác sĩ, cả trẻ và có kinh nghiệm, đã chuyển ra. Ông cho rằng bệnh viện tư có quyền chọn bệnh nhân không quá nặng, lại tập trung vào các ngành phổ biến và dễ có doanh thu cao như sản khoa, siêu âm, thẩm mỹ. 

Ở bệnh viện lớn như Bạch Mai, số bệnh nhân đông, nhiều bệnh nhân nặng, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên, gây áp lực cho y bác sĩ. Tuy nhiên bệnh viện công tuyến cuối chính là môi trường tốt nhất để họ học tập từ các chuyên gia đầu ngành và từ mặt bệnh đa dạng. 

"Chọn ngành y là chấp nhận 'thu hoạch muộn'", ông nói. "Phải xác định là bố mẹ nuôi ăn học đến tầm 30 tuổi mới nuôi được bản thân". 

Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng các biện pháp để giữ y bác sĩ giỏi như áp dụng cơ chế tự chủ tài chính, nâng cao đời sống cán bộ nhân viên. "Tuy nhiên cần có thời gian để các biện pháp phát huy tác dụng, không thể ngày một, ngày hai mà xong", ông nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, một số bệnh viện đã chuyển sang tự chủ tài chính để giải quyết tình trạng thất thoát nhân lực, như Bệnh viện Tim, Phụ sản, Ung bướu, Da liễu, Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Xanh Pôn, Thanh Nhàn... Cơ chế tự chủ được trông đợi là cơ hội để bệnh viện đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển kỹ thuật cao, ổn định đời sống và thu nhập cho cán bộ y tế, mời các y bác sĩ giỏi về làm việc. 

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới