Bệnh nhân ở Hạ Lôi: 'Tôi thức trắng nhiều đêm'
Quay sang nhìn chồng và ba đứa con nhỏ, chị Nga - "bệnh nhân 253", 41 tuổi, không cất được lời. Người chồng lặng đi trong vài giây. Anh đặt tay lên vai chị, ngậm ngùi động viên: "Thôi em giữ gìn sức khỏe, an tâm đi chữa bệnh nhé, anh ở đây chăm con".
Ba đứa trẻ không nói gì, cũng không khóc, nhưng chúng nhìn mẹ không rời. Chị quỳ xuống, ôm các con vào lòng, cố gắng kìm nén nước mắt: "Các con ở lại, mẹ đi chữa bệnh rồi về".
Căn phòng cách ly tập trung bỗng trở nên im lặng, chỉ còn tiếng thu dọn đồ đạc của chị Nga. Chuyến xe lăn bánh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đường phố vắng vẻ. Lòng chị nặng trĩu. Nghĩ đến chồng và những đứa con ở lại, nỗi trăn trở: "Không biết mình có lây bệnh cho chồng, cho các con không?" đeo bám chị suốt đêm hôm đó và nhiều đêm sau.
Cái cảnh cả nhà chia tay đêm hôm ấy, chị Nga, chiều 25/4 xuất viện, chia sẻ rằng "không bao giờ quên".
Chị Nga là chị dâu "bệnh nhân 243" - người đầu tiên ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, mắc Covid-19. Chị kể, từ khi biết tin em chồng nhiễm bệnh, hôm sau chị và gia đình được đưa đi cách ly ngay. Lúc đó, chị không ho, không sốt, chỉ hơi có biểu hiện đau rát họng, cảm giác người hơi mệt mỏi, nhưng không mảy may nghĩ mình nhiễm nCoV.
"Lúc biết tin dương tính, tôi lo lắm, nhưng phải cố gắng cứng rắn để các con yên tâm", chị chia sẻ. "Các con không khóc nhưng tôi biết chúng buồn lắm khi phải xa mẹ".
Chị nhập viện ngày 7/4, được sắp xếp điều trị tại phòng cùng với hai bệnh nhân nữa. Các bác sĩ cho thuốc bổ và nước súc họng hàng ngày. Khoảng một tuần sau, triệu chứng đau rát họng hết hẳn. Đọc tin tức hàng ngày, chị hoàn toàn tin tưởng vào các bác sĩ, lòng mong mỏi từng ngày từng giờ được thông báo kết quả âm tính.
Sức khỏe tốt lên, nhưng chị ăn không ngon, ngủ không yên vì buồn, lo lắng cho gia đình và tất cả mọi người ở Hạ Lôi. Hơn 30 người tiếp xúc gần (F1) với chị, trong đó có người đang mang bầu, một số cháu nhỏ và ông bà ngoại các cháu, đang có bệnh nền. Những đêm không ngủ, mọi người trong phòng hay thường xuyên tâm sự với nhau cho đỡ buồn. Các bác sĩ cũng thường xuyên động viên chị, nhắc nhở phải cố ăn hết suất cơm.
May mắn vài ngày sau, người thân đều có kết quả âm tính, khỏe mạnh. "Tôi quá mừng", chị nói.
Thế nhưng, chị Nga lại thường trực nỗi buồn khác. Cả thôn Hạ Lôi bị phong tỏa, gây thiệt hại về kinh tế. "Trồng hoa là nghề chính của người dân Hạ Lôi. Giờ dịch bệnh, hoa hỏng hết, mất tiền, mấy trăm triệu không hết được", chị bộc bạch.
Chị nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu "buồn lắm". Đôi mắt còn nguyên nét thâm quầng. Thời gian nằm viện, chị thường xuyên theo dõi tin tức thôn mình, gọi điện cho mọi người hỏi han cuộc sống, động viên cùng nhau cố gắng vượt qua.
Sau hơn hai tuần, chị Nga lần lượt nhận kết quả âm tính ba lần. Ngày được thông báo khỏi bệnh cũng là ngày chồng và các con chị kết thúc cách ly tập trung, được trở về nhà. Niềm vui không thể diễn tả hết, chị âm thầm đón nhận một mình, bởi những người cùng phòng đã được xuất viện trước đó. Lòng nhẹ nhõm, đêm đó, chị ngủ thiếp đi đến sáng.
Chiều 25/4, trong chiếc áo hoa, chị Nga phấn khởi nói: "Khỏi bệnh rồi, có sức khỏe lại chiến đấu tiếp bù thiệt hại thôi".
Thúy Quỳnh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo