Bệnh trĩ ngày càng có nhiều người mắc, dấu hiệu nhận biết bệnh sớm nhất
1. Bệnh trĩ là gì?
PGS.TS Mai Tất Tố, nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội cho bệnh trĩ hay dân gian còn gọi là bệnh lòi dom là một bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch (tĩnh mạch trực tràng-hậu môn). Đây là bệnh phổ biến ở Việt Nam, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn dẫn đến nhập viện. Bệnh có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là 30- 60 tuổi. Ước tính có đến 50% số người từ 50 tuổi trở lên bị trĩ ít nhất là một lần trong đời.
Theo nghiên cứu của hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, tỷ lệ mắc trĩ ở nước ta là 35-50%. Tỷ lệ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%). Bệnh trĩ chia làm 3 loại trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.
Bệnh trĩ đang ngày một trẻ hóa là do thói quen ăn uống nhiều chất béo, khó tiêu (như humberger, pizza), đồ ăn nhiều tính cay nóng (như ớt, hạt tiêu, mì tôm), dễ gây táo bón (như chè, cà phê…). Bên cạnh đó còn do thói quen lười vận động, công việc đặc thù ngồi nhiều như làm việc văn phòng, học sinh, sinh viên, lái xe…. Nhiều trường hợp do không cung cấp đủ nước cho cơ thể, nhịn đi vệ sinh hoặc xem điện thoại trong khi đi vệ sinh.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ thường là những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động như: cán bộ văn phòng, lái xe và nam giới uống rượu, bia nhiều. Ngoài ra, những người bị táo bón mạn tính cũng hay mắc bệnh trĩ. Bệnh ở vùng kín nên bệnh nhân thường ngại ngùng khi đi khám, nhất là phụ nữ. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm.
2. Dấu hiệu của bệnh trĩ
Triệu chứng rõ rệt của bệnh trĩ là chảy máu và sa búi trĩ.
Chảy máu
Đây là triệu chứng có sớm và thường gặp nhất. Người bệnh sẽ phát hiện khi nhìn thấy máu ở giấy chùi vệ sinh hoặc thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Về sau mỗi khi táo bón, máu chảy thành giọt hoặc tia. Có khi máu chảy rất nhiều mỗi lần đi lại hay ngồi xổm.
Sa bũi trĩ
Sa búi trĩ thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu. Lúc đầu, sau mỗi lần đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Sau này khối trĩ lồi ra to lên dần và không tự tụt vào mỗi khi đi cầu, người bệnh phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
Các triệu chứng khác
Ngoài hai triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể thấy đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Triệu chứng đau, rát xảy ra khi tình trạng bệnh nặng lên.
Các triệu chứng chảy máu không chỉ gặp ở trĩ nội và trĩ ngoại mà đôi khi còn gặp ở bệnh ung thư hậu môn, trực tràng. Vì vậy bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán bệnh kịp thời.
3. Điều trị trĩ
Điều trị bệnh trĩ quan trọng là trị dứt điểm ngay từ giai đoạn nhẹ, tránh để bệnh tái phát thành nặng hơn dẫn đến biến chứng hoặc phải phẫu thuật. Kết hợp 3 liệu pháp điều trị gồm thuốc, ăn uống và sinh hoạt tránh để bệnh tái lại ngày càng nặng hơn.
Ở giai đoạn trĩ độ 1 hoặc 2 khi các triệu chứng còn nhẹ, búi trĩ chưa sa nhiều ra bên ngoài việc điều trị có thể chỉ bằng thay đổi chế độ sinh hoạt và sử dụng các thuốc thảo dược giúp co nhỏ búi trĩ.
Phẫu thuật chỉ là cắt phần búi trĩ thò ra bên ngoài còn hệ tĩnh mạch suy yếu bên trong hoàn toàn không can thiệp được nên chỉ cần yếu tố thuận lợi gây táo bón là hoàn toàn có thể tái phát bệnh trĩ. Phẫu thuật cắt trĩ không đơn giản như nhiều người nghĩ do hệ tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng rất phức tạp.
Phẫu thuật cắt trĩ thường gây đau đớn, cần thời gian để phục hồi sức khỏe và có thể gặp phải các rủi ro như hư hỏng cơ vòng hậu môn, hẹp hậu môn, rò hậu môn… Ngoài ra phẫu thuật xong việc đi đại tiện cũng vô cùng đau đớn, kết hợp với việc đi vệ sinh còn có thể gây nhiễm trùng nơi mổ.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ nặng lên gây ngứa ngáy khó chịu, đau đớn nhất là khi búi trĩ thò ra ngoài, cọ sát lúc vận động. Khi bệnh trĩ nặng do thành các tĩnh mạch dãn mỏng có thể dễ thủng, rách gây chảy máu nhiều, nếu tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra khi đi đại tiện do phải rặn nhiều có thể gây nứt kẽ hậu môn, thậm chí rách tầng sinh môn dễ bị bội nhiễm vi khuẩn từ phân và nước tiểu.
4. Cách phòng bệnh trĩ
Cách phòng bệnh tốt nhất là chế độ ăn uống thích hợp, dùng thực phẩm có nhiều chất xơ như rau xanh (rau khoai lang, rau mùng tơi…), ăn hoa quả tươi (chuối, đu đủ..). Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, các chất cay nóng như ớt, hạt tiêu, đồ ăn nhanh như pizza, mỳ tôm, hamburger...
Uống nhiều nước để làm phân mềm, chống táo bón, đảm bảo lượng nước uống nhiều hơn 2 lít/ngày.
Nên tập thói quen đi đại tiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Không nên nhịn đi vệ sinh vì phân sẽ tích tụ lâu ở ruột trở nên khô cứng gây khó khăn cho việc đi ngoài.
Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu vì sẽ gây tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn, đồng thời gây ứ trệ máu, căng phồng tĩnh mạch nguy cơ gây trĩ. Trong trường hợp phải đứng hoặc ngồi lâu nên nghỉ giải lao giữa giờ để thay đổi tư thế. Ngồi một tiếng thì nên đứng dậy đi lại vận động.
Sinh hoạt điều độ và tập thể dục đều đặn hàng ngày như đi bộ, bơi lội…, đi cầu thang bộ tại nơi làm việc thay vì đi thang máy giúp nhu động ruột hoạt động tốt.
Giữ vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo.
Điều trị một số bệnh mãn tính làm tăng áp lực ổ bụng và làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch hậu môn như lỵ, viên phế quản, giãn phế quản…
Bệnh trĩ là một bệnh tuy không nguy hiểm nhưng do người bệnh chủ quan nên dễ tái đi tái lại. Sau khi điều trị thành công, tâm lý chung của hầu hết bệnh nhân là vô cùng thoải mái và nghĩ rằng mình hoàn toàn không còn nguy cơ mắc bệnh. Tự ý thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt theo ý muốn của mình, không tuân thủ chỉ định và tư vấn của bác sĩ ….. là những nguyên nhân làm cho bệnh trĩ tái phát.
Minh Anh
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/tieu-hoa/benh-tri-nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-596232.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo