Bí ẩn chưa có lời giải về bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19
Cách đây gần một năm, mùa đông giá lạnh phủ khắp Trung Quốc. Đó cũng là lúc tin đồn về một loại cúm lạ bắt đầu lan truyền ở Vũ Hán. Trên WeChat, người dùng thảo luận về tình trạng ho, cảm lạnh trong nhiều tuần. Cụm từ “SARS”, “khó thở” được tìm kiếm nhiều đột biến từ giữa tháng 11/2019.
Đầu tháng 12, căn bệnh được gọi là “viêm phổi không rõ nguyên nhân” đã được xác định. Người bệnh - nhiều trường hợp là công nhân hoặc khách mua hàng tại chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán - đổ về các bệnh viện để điều trị.
Đó là lúc Covid-19 âm thầm xâm nhập, lây lan ra toàn cầu. Hàng loạt quốc gia khác tại châu Á, Âu, Mỹ Latin… đều phát hiện các ca mắc Covid-19 đầu tiên. Đến thời điểm này, thế giới đã có gần 71 triệu bệnh nhân, trong đó, hơn 1,5 triệu ca tử vong.
Suốt một năm đấu tranh cùng căn bệnh mà chúng ta không hề hiểu rõ, cho đến hôm nay, câu hỏi "Nó đến từ đâu? Ai là nạn nhân đầu tiên của nó?" vẫn là ẩn số. Ngày càng nhiều nghiên cứu mới tìm thấy dấu vết của SARS-CoV-2 từ rất sớm, làm lung lay không ít các kết luận từ giới chuyên gia trên toàn cầu.
Vì sao cần tìm bệnh nhân số 0 và nguồn gốc của virus?
Bệnh nhân số 0 (patient zero) là thuật ngữ chỉ người đầu tiên lây nhiễm bệnh. Theo South China Morning Post, "bệnh nhân số 0" có thể được sử dụng tương đương với thuật ngữ "index case" (ca chỉ thị hay ca nguyên phát) và nói chung chỉ người đầu tiên nhiễm bệnh trong một đợt bùng phát dịch,
Tuy nhiên, trong quá khứ, thuật ngữ này không bao hàm ý nghĩa như vậy. Cách dùng "patient zero" thường bị gắn với định kiến của nhiều người về những bệnh nhân "gieo rắc mầm bệnh".
Những tiến bộ trong phân tích di truyền hiện nay cho phép chúng ta truy tìm dòng dõi của một loại virus thông qua những người mà nó đã lây nhiễm. Kết hợp các nghiên cứu dịch tễ học, nhà khoa học có thể xác định chính xác những cá nhân có thể là người đầu tiên mắc bệnh. Từ đó, họ sẽ lý giải cách virus lây từ động vật sang người như thế nào.
Trả lời được câu hỏi “ai là bệnh nhân số 0” có thể giúp nhân loại giải mã cách thức, thời điểm và lý do virus khởi phát. Đây đều là tiền đề cho biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn nhiều đại dịch chưa thể biết đến trong tương lai.
Nhưng với Covid-19, giới khoa học dường như rơi vào ngõ cụt khi càng tìm kiếm bệnh nhân số 0, họ càng truy lùng ra các dấu vết gây hoang mang và đầy mâu thuẫn. Một năm trôi qua, giới khoa học toàn cầu như lạc vào mê cung của SARS-CoV-2. Mọi kết luận đến thời điểm này chỉ là tạm thời.
Một số nghiên cứu từng cho rằng dơi, tê tê là nguồn lây nhiễm virus từ động vật sang người. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này vẫn chưa thể chắc chắn.
Ngày 25/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giới thiệu danh sách 10 nhà khoa học quốc tế góp mặt trong nhóm “biệt đội săn virus”, truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Theo SCMP, nhóm chuyên gia quốc tế gồm 10 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực y tế công cộng, bác sĩ thú y, thợ săn virus đến từ Nhật Bản, Qatar, Đức, Việt Nam, Nga, Australia, Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Mỹ. Biệt đội điều tra Covid-19 này sẽ cùng các nhóm chuyên gia của Trung Quốc truy tìm cách virus SARS-CoV-2 xuất hiện và lây sang người.
Cuộc săn lùng chưa đi đến hồi kết
Trong khi nhóm chuyên gia của WHO tìm kiếm câu trả lời cho nguồn gốc virus SARS-CoV-2, các nghiên cứu mới ngày càng chỉ ra hiểu biết của nhân loại về thời điểm khởi phát và bệnh nhân số 0 có vẻ không như chúng ta vẫn nghĩ.
Giáo sư Edward Holmes, nhà virus học hàng đầu tại Đại học Sydney, Australia, cho rằng “bệnh nhân số 0” của Covid-19 là “điều bí ẩn có thể không bao giờ giải quyết được. Cơ hội tìm ra những người đó gần như bằng không”. Ông là một trong những người đầu tiên trên thế giới lập bản đồ gene của SARS-CoV-2.
Nhưng thách thức đó không ngăn các nhà nghiên cứu trên toàn cầu ngừng cố gắng. Trung Quốc - nơi được cho là quốc gia khởi phát dịch Covid-19 - báo cáo ca bệnh đầu tiên vào ngày 31/12. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các học giả Trung Quốc được công bố trên tạp chí y khoa Lancet, người đầu tiên được chẩn đoán mắc Covid-19 là vào ngày 1/12/2019. Người này thậm chí không có mối liên hệ với chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán - nơi được cho là ổ dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới.
“Ông ta sống cách chợ hải sản 4-5 chuyến xe buýt và vì bị bệnh nên không ra ngoài trong một thời gian dài”. Bà Wu cũng cho biết 3 người khác khởi phát triệu chứng sau người đàn ông trên có 2 trường hợp không tiếp xúc hoặc di chuyển đến chợ Hoa Nam.
Tháng 4, nhóm nghiên cứu quốc tế do các học giả tại Đại học Cambridge (Anh) dẫn đầu công bố kết quả bất ngờ. Trong bài công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) ngày 16/4, ông Peter Foster, chuyên gia nghiên cứu di truyền Đại học Cambridge và nhóm tác giả tiết lộ virus SARS-CoV-2 có thể đã đột biến và đạt đến biến thể cuối cùng để truyền nhiễm hiệu quả trên người trước đó vài tháng.
Tuy nhiên, virus ở yên trong cơ thể một con dơi hay loài vật nào đó hoặc thậm chí cơ thể một con người trong vài tháng trước khi nhảy sang cá thể khác và lây lan bệnh.
Hồi tháng 5, nhóm nghiên cứu tại Anh do chuyên gia Francois Balloux, Viện Di truyền học Đại học London, phát hiện bằng chứng di truyền học cho thấy virus SARS-CoV-2 đã tràn sang châu Âu, Mỹ và một số nơi khác trong nhiều tuần trước khi các ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào tháng 1, 2.
Nhóm của Balloux nghiên cứu các chuỗi gen đã giải trình tự của chủng virus, lấy mẫu ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau. Bài viết khoa học của nhóm đã được đánh giá chéo bởi các nhà khoa học khác trước khi xuất bản. Nghiên cứu kết luận virus đã bắt đầu lây nhiễm trên người từ cuối năm 2019. Ông Balloux cũng cho rằng việc truy tìm "bệnh nhân số 0" với các nước sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.
Tại Mỹ, ca đầu tiên mắc Covid-19 được ghi nhận là vào ngày 20/1. Bệnh nhân là người đàn ông ở bang Washington, từng di chuyển đến Vũ Hán, Trung Quốc. Khu vực Seattle nhanh chóng trở thành điểm nóng với số ca bệnh tăng vọt sau khi dịch bùng phát tại một viện dưỡng lão ngoài thành phố. Ngày 29/2, bang Washington báo cáo về ca mắc Covid-19 đầu tiên tử vong của nước Mỹ.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, Guardian dẫn thông tin cho thấy giới chức Washington xem xét hai bệnh nhân khác có triệu chứng giống Covid-19. Họ đều khởi phát từ cuối tháng 12. Sau đó, những người này được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Những bệnh nhân này có thể đã bị cúm nặng hoặc bệnh đường hô hấp khác và nhiễm nCoV sau đó. Tuy nhiên, dữ kiện này cũng khiến giới y khoa Mỹ lật lại vấn đề về “bệnh nhân số 0” của quốc gia này.
Tại châu Âu, hồi tháng 3, Italy trở thành tâm chấn mới của Covid-19. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên cấm tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc vào cuối tháng 1, sau khi hai du khách Trung Quốc được chẩn đoán nhiễm nCoV ở Rome. Nhưng một số chuyên gia tin rằng dịch Covid-19 đã bắt đầu xâm nhập vào châu lục này từ rất sớm.
Mới đây, các nhà khoa học Italy công bố kết quả cho thấy người đầu tiên mắc Covid-19 của châu Âu có thể không phải là bệnh nhân 43 tuổi ở Bắc Codogno, Italy, được phát hiện vào ngày 21/2 như đã công bố. Theo Telegraph, người được cho là “bệnh nhân số 0” trong nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học bang Milan là cậu bé 4 tuổi, cư dân ở vùng Lombardy, có triệu chứng giống cúm, phát ban vào ngày 21/11/2019. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng cậu bé bị sởi.
Miếng gạc mẫu hầu họng của bệnh nhân này được phân tích vào tháng 12 và phát hiện sự hiện diện của virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng đây mới là “bệnh nhân số 0” thực sự của Italy, không phải người đàn ông trung niên đến từ Bắc Codogno. Tháng trước, một nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể đã xâm nhập vào Italy sớm nhất vào tháng 9 năm ngoái.
Những thông tin trên một lần nữa cho thấy công cuộc truy tìm nguồn gốc và “bệnh nhân số 0” đầy khó khăn của nhân loại. Cho đến thời điểm này, chúng ta chỉ có thể hy vọng khi vaccine Covid-19 được tìm ra, nó sẽ giúp thế giới ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan và gây thiệt hại.
(Theo Zing)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo