Biến chứng âm thầm khiến bệnh nhân Covid-19 dễ nguy kịch dù còn trẻ

Dù thiếu oxy trong máu nhưng bệnh nhân vẫn vui vẻ trò chuyện với mọi người. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, họ trở nặng dù còn trẻ và không có bệnh nền.

Ở nhiều bệnh viện trên thế giới, các bác sĩ lắc đầu không tin khi họ thấy những bệnh nhân Covid-19 đáng lẽ phải hôn mê hoặc mệt mỏi do thiếu oxy trong máu vẫn vui vẻ sinh hoạt như bình thường. Người bệnh trò chuyện với y tá, vào mạng xã hội, hiếm khi phàn nàn gặp khó khăn khi thở.

Một số người gọi đó là hiện tượng “thiếu oxy máu hạnh phúc” khiến bệnh nhân rất lâu hồi phục hoặc gặp các nguy cơ đáng sợ hơn.

Thuật ngữ y học chính thức của tình trạng này là “giảm oxy máu âm thầm”. Đó là khi bệnh nhân không nhận thức được mình đang bị thiếu oxy, tới khi vào viện, sức khỏe của họ đã bị nguy hiểm.

Một bệnh nhân điều trị trong bệnh viện ở New York (Mỹ). Ảnh: AP
Một bệnh nhân điều trị trong bệnh viện ở New York (Mỹ). Ảnh: AP

Theo bác sĩ Richard Levitan, người đã có 30 năm làm trong phòng cấp cứu ở Mỹ, những bệnh nhân này thường có các triệu chứng của bệnh Covid-19 từ 2 tới 7 ngày trước khi nhập viện. Họ thấy tức ngực, không thể thở sâu.

Bác sĩ Levitan đã chứng kiến những bệnh nhân nhập viện có vẻ ngoài bình thường khi độ bão hòa oxy máu xuống còn 50% khiến họ đáng lẽ phải lơ mơ, thậm chí bất tỉnh. Độ bão hòa oxy máu thông thường ở khoảng 95-100%, dưới 90% là bất bình thường.

Thêm vào đó, phim chụp phổi của bệnh nhân cho thấy dấu hiệu viêm nặng tới mức họ phải thấy đau đớn khi thở.

“Phim chụp X-quang của họ thật đáng sợ, lượng oxy rất ít nhưng họ vẫn tỉnh táo, sử dụng được điện thoại. Tất cả đều nói họ đã ốm một vài ngày”, bác sĩ Levitan chia sẻ.

Điều này thật nguy hiểm khi bệnh nhân nhận ra khó thở sâu và cần giúp đỡ thì tình trạng đã quá nặng.

“Một số có thể phải dùng máy thở. Khi nồng độ CO2 tăng lên, dịch tích tụ trong túi phổi và phổi bị đông đặc gây suy hô hấp cấp”, bác sĩ Levitan thông tin.

Bác sĩ Levitan gợi ý bệnh nhân sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu. Ảnh: Reuters
Bác sĩ Levitan gợi ý bệnh nhân sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu. Ảnh: Reuters

Tại sao có hiện tượng này?

Các bác sĩ cho rằng, ở một số bệnh nhân Covid-19, triệu chứng ở phổi không tiến triển rõ ràng ngay lập tức. Khi tập trung chống chọi lại sốt, tiêu chảy, cơ thể bắt đầu phản ứng lại hiện tượng thiếu oxy bằng cách tăng nhịp thở để bù đắp.

“Hãy tưởng tượng bạn có một cốc không khí và giờ nó chỉ còn một nửa. Bạn sẽ cố sức đổ nhanh hơn để bù lại”, bác sĩ Cedric Rutland, phát ngôn viên của Hiệp hội Phổi Mỹ, giải thích.

Mọi người có thể không nhận thức được nhịp thở của mình đang tăng lên nhanh hơn và không nhờ trợ giúp tuy nhiên, độ bão hòa oxy máu vẫn tiếp tục giảm. Trong khi đó, cơ thể dần thích nghi với lượng oxy thấp hơn, giống như khi một người đi tới vùng núi cao.

Tới lúc những bệnh nhân này nhập viện, phổi đã bị tổn thương nghiêm trọng, lượng oxy thiếu hụt cũng có thể tác động tới cả các cơ quan khác như tim, thận và não.

Hiện tượng “giảm oxy máu âm thầm” lý giải tại sao nhiều bệnh nhân Covid-19 còn trẻ, không có bệnh nền đột ngột qua đời mà không có triệu chứng khó thở nghiêm trọng trước đó.

Cố gắng tránh máy thở

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, hầu hết các bệnh nhân khó thở đều được lắp máy thở. Hiện tại, các thiết bị này được ưu tiên cho người nhiễm Covid-19 đang nguy kịch khi các bác sĩ nhận ra rằng mặt nạ oxy hoặc tư thế nằm có thể hiệu quả với một số bệnh nhân.

Năm 2012, bác sĩ Levitan là đồng tác giả của một nghiên cứu thử nghiệm trên 50 bệnh nhân. Những người này sử dụng mặt nạ oxy thay cho máy thở và được đặt nằm nghiêng hoặc sấp.

Theo đó, gần 70% bệnh nhân có thể không cần dùng máy thở trong 24 giờ đầu tiên.

Giúp bệnh nhân tránh xa máy thở có ích cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Máy thở khan hiếm và cần dùng cho những người yếu nhất. Thậm chí nếu bệnh viện có dư thừa thiết bị, vẫn có nhiều lý do cần thử các giải pháp khác.

Bệnh nhân phải đưa ống thông qua mũi xuống dạ dày hoặc qua họng xuống khí quản và ống truyền thức ăn. Nhiều người phải dùng thuốc an thần để tránh giật các loại ống ra. Ngoài ra, còn có nguy cơ hình thành cục máu đông.  

Phát hiện sớm là điều mấu chốt

Mới đây, bác sĩ Levitan đã chia sẻ cách chẩn đoán sớm những mối nguy hô hấp với bệnh nhân Covid-19. Theo đó, bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ nên sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu trong thời gian cách ly 2 tuần.

Tuy nhiên, vẫn còn có những băn khoăn về việc sử dụng loại máy trên ở nhà. Đầu tiên, một số thiết bị có thể không chuẩn xác. Một khảo sát năm 2016 cho thấy chỉ 2 trong số 6 loại máy phổ biến trên thị trường đáp ứng tiêu chuẩn.

Ngoài ra, việc sử dụng không đúng cách có thể ảnh hưởng tới việc đọc kết quả. Bạn phải đeo thiết bị đúng cách, bàn tay ở nhiệt độ phòng và sơn móng tay sẫm màu có thể ảnh hưởng tới kết quả.

Mặc dù vậy, bác sĩ Rutland vẫn khuyến khích bệnh nhân mà ông thăm khám từ xa dùng máy này để kiểm soát độ bão hòa oxy máu. Dù thiết bị không hoàn hảo nhưng vẫn cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ trong điều kiện bệnh nhân không thể tới bệnh viện trong điều kiện giãn cách.

An Yên (Theo CNN

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới