Biến dạng khớp vì tìm thầy lang chữa bệnh vảy nến

Không ít người bị bệnh vảy nến tìm đến thầy lang, sau khi uống thuốc bệnh phát nặng hơn, các khớp sưng to, biến dạng.
Vảy nến khớp có thể gây biến dạng, phá hủy khớp không hồi phục, khiến bệnh nhân bị tàn phế. Ảnh: BVCC
Vảy nến khớp có thể gây biến dạng, phá hủy khớp không hồi phục, khiến bệnh nhân bị tàn phế.
Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM, mỗi năm có 15.000 lượt bệnh nhân vảy nến đến khám và điều trị. Một trong những biến chứng của bệnh là viêm khớp với các biểu hiện như đau ở các khớp đầu gối, mắt cá chân, cùi chỏ, đau lưng khu vực cột sống, cứng khớp buổi sáng, viêm sưng ở ngón tay, ngón chân... Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở chuyên khoa, không ít bệnh nhân tìm đến thầy lang khiến tình trạng các khớp bị biến chứng rất nặng.

Bệnh nhân NLA (47 tuổi) nhà ở Đắk Lắk nhập viện khoa Lâm sàng 2 của BV trong tình trạng đỏ da tróc vảy toàn thân, các khớp chân, tay, gối sưng to, biến dạng. Khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân này được người thân chỉ cho đến một thầy lang bốc thuốc Nam để uống. Khi uống được một tháng, bệnh phát nặng hơn, toàn thân sưng đỏ, người sốt, các khớp sưng to, biến dạng.

Ngoài uống thuốc Nam, nhiều người nghe lời quảng cáo tìm đến các phòng khám Trung Quốc điều trị, hậu quả là mất tiền, bệnh không giảm mà còn diễn tiến nặng hơn, chuyển qua viêm khớp nặng, rất khó điều trị.

TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, cho biết có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, tuy nhiên vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn. Bệnh nhân vảy nến cần lưu ý quan tâm đến các yếu tố làm bùng phát bệnh như thời tiết, mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng.

“Để chữa trị viêm khớp vảy nến, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu và chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu mới khởi phát để kiểm soát bệnh. Tránh các nguy cơ bị biến dạng các khớp và tàn phế” - TS-BS Nguyễn Trọng Hào lưu ý.

Vảy nến là bệnh lành tính, trên thế giới ước tính có khoảng 125 triệu người mắc bệnh vảy nến. Bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi 15-35 tuổi. Hiện tại chưa ai biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến nhưng người ta tin chắc bệnh có liên quan tới yếu tố gien. Một tế bào da bình thường trưởng thành và rời khỏi bề mặt da trong khoảng 28 - 30 ngày. Nhưng tế bào da của người bệnh vảy nến chỉ cần 3-4 ngày là trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da, nhưng thay vì rơi ra chúng lại dính với nhau và tạo nên vảy nến. Các thương tổn da của bệnh vảy nến nhìn có vẻ ghê sợ nhưng hoàn toàn không lây cho người khác, do đó không nên kỳ thị hay xa lánh bệnh nhân vảy nến.

Khám và tư vấn miễn phí bệnh vảy nến

Hưởng ứng ngày Vảy nến thế giới 29-10-2019, tại BV Da liễu TP.HCM sẽ diễn ra nhiều hoạt động như nói chuyện chuyên đề cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân vảy nến vào 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 26-10-2019 tại hội trường A với các đề tài: Vảy nến ở vị trí khó trị - điều bệnh nhân cần hiểu; hãy quan tâm đến khớp ngay từ bây giờ nếu bạn mắc bệnh vảy nến.

Ngoài ra, buổi sáng từ ngày 11 đến 22-11-2019, BV sẽ tổ chức khám, tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc da miễn phí cho bệnh nhân vảy nến. Bệnh nhân, thân nhân người bệnh vảy nến có thể đăng ký qua điện thoại 028.39306010 trong giờ hành chính hoặc đăng ký trên trang fanpage BV Da liễu TP.HCM được hướng dẫn thêm.

                                                                                                  HOÀNG LAN

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới