Bốn mũi tiêm giúp người đàn ông thoát đau đớn
Ban đầu, ông chỉ đau đầu, xoa bóp bằng dầu gió. Đau đớn tăng dần từng ngày, ông cảm thấy hai mắt cay xè như thể bị ném ớt vào. "Chỉ động vào một ngọn tóc đã đau không chịu được", ông nói.
Ông được người nhà đưa tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khám vào đầu tháng 10, do đang điều trị ung thư máu tại đây. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh zona thần kinh, kê đơn thuốc điều trị. Các cơn đau tiếp tục tăng, mỗi lần thuốc chỉ tác dụng trong thời gian ngắn, dùng cả morphine không hiệu quả.
Suốt hai tháng, ông không thể nằm, phải kê gối tựa lưng để ngủ ngồi. Mỗi khi nhai rất đau, phải ăn 5 bữa cháo trong một ngày thay cho cơm. Đôi lúc quá đau, ông ôm chặt con trai, van nài bác sĩ không khám nữa.
Cuối tháng 11, ông chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị điều trị. Bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị Điện quang can thiệp và điều trị đau, cho biết bệnh nhân đau nhiều do các vết phỏng zona bội nhiễm tạo thành các ổ mủ dưới da.
Bác sĩ Tâm nhanh chóng khoanh vùng đau gồm vùng chẩm, thái dương, đỉnh đầu, vành tai, một phần vùng má, cổ. Từ đó, bác sĩ xác định được dây thần kinh chi phối các vùng đau của người bệnh và thực hiện phương pháp tiêm phong bế thần kinh.
"Bệnh nhân quá đau, không thể tiêm phong bế cùng lúc nhiều vị trí, nên phải chia ra nhiều lần", bác sĩ Tâm cho biết.
Cơn đau giảm dần sau từng mũi tiêm, lần lượt giảm 40%, hơn 50%, 85%. Đến nay, người bệnh được tiêm tổng cộng 4 mũi giảm đau, trong đó lần tiêm gần nhất vào chiều 1/12.
Theo bác sĩ Tâm, zona là bệnh hệ thần kinh trung ương và ngoại vi gây ra do virus herpes zoster. Bệnh thường xảy ra ở người từng bị thủy đậu. Khi hệ miễn dịch suy giảm, có tác động của thuốc hoặc hóa trị, virus hoạt động trở lại gây nên zona.
Hầu hết trường hợp bệnh zona khỏi trong vòng một vài tuần. Nếu đau kéo dài sau khi khỏi các tổn thương ban và bọng nước, gọi là đau sau zona.
Đau có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, làm giảm chất lượng sống của người bệnh, thậm chí gây trầm cảm và cách biệt xã hội.
Bác sĩ Tâm cho biết: "Hy vọng với 4 mũi tiêm lần này, vòng phản xạ đau bị cắt, các cơn đau giảm và giúp ông trở về cuộc sống bình thường. Nếu bệnh nhân bị đau trở lại, có thể tiếp tục được tiêm phong bế bởi kỹ thuật tiêm khá đơn giản và nhanh gọn".
Hiện sức khỏe của ông ổn định, có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường để kiểm soát đau mà không cần dùng morphine. Từ không thể nói trọn vẹn một câu, phải nghỉ giữa chừng ôm mặt nhăn nhó, nay ông cười, nói lưu loát, không còn phải ngủ ngồi, đã tập nằm ngủ bình thường. Miếng thịt đầu tiên ông được ăn sau hai tháng chỉ uống cháo trở nên ngon hơn bình thường.
"Tuyệt vời quá", ông thốt lên.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo