Cách tự khử trùng chỗ ngồi trên máy bay
Khoang máy bay và ghế ngồi của hành khách là không gian công cộng. Vi trùng có thể sống trên các bề mặt này một thời gian dài và bạn có thể làm sạch chúng", Aaron Milestone, nhà dịch tễ học tại bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ cho biết.
Dưới đây là một số lời khuyên để làm sạch không gian ngồi của bạn trên máy bay và cách bảo vệ sức khoẻ khi sử dụng loại phương tiện này trong dịch Covid-19.
Giữ bàn tay sạch sẽ và không chạm vào mặt
Theo ông Andrew Mehle, Phó Giáo sư Vi trùng học và miễn dịch học tại đại học Wisconsin Madison (bang Wisconsin) việc lau chùi các bề mặt trên máy bay không khiến bạn bị trầy xước da hay tổn thương. Phương tiện truyền bệnh của nCoV là những giọt nước bọt hoặc dịch nhầy li ti, xâm nhập qua mắt, mũi, miệng vào cơ thể người. Chúng có thể tồn tại trên các bề mặt như bàn khay, màn hình cảm ứng, tay nắm cửa và vòi nước. Một nghiên cứu khoa học chỉ ra các virus corona khác như SARS và MERS tồn tại trên kim loại, thủy tinh và nhựa tối đa 9 ngày. Chất khử trùng, nước rửa tay hoặc xà phòng sẽ tiêu diệt virus.
Các bề mặt xung quanh chỗ ngồi đều có thể tồn tại dịch nhầy từ cơ thể của những hành khách trước. Ảnh: Aureliy/Shutterstock. |
Hầu hết mọi người có xu hướng chạm tay vào khuôn mặt họ thường xuyên, thậm chí không để ý tới. Việc chạm vào mặt sau khi tiếp xúc với bề mặt chứa giọt nước từ hắt hơi hoặc ho của người khác có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh. Vì vậy, vấn đề được ưu tiên là rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng nước rửa tay sát khuẩn.
Khử trùng bề mặt cứng
Khi tới chỗ ngồi với bàn tay sạch sẽ, tiếp theo bạn nên sử dụng khăn lau khử trùng để làm sạch các bề mặt như chỗ để tay, tựa đầu, khóa dây an toàn, nút bấm, màn hình, túi sau ghế và bàn khay. Nếu ghế ngồi bằng da, bạn cũng có thể lau nó. Tuy nhiên dùng khăn lau trên chất liệu nỉ có thể khiến ghế bị ướt và lây lan vi trùng. Nếu không có khăn khử trùng, bạn có thể dùng cồn 70 độ (loại 90 độ không được mang lên máy bay) xịt lên bề mặt rồi lau khô bằng khăn giấy.
"Không có gì xấu khi làm sạch khu vực xung quanh bạn. Tuy nhiên nCoV không nhảy ra khỏi các bề mặt và chui vào miệng bạn. Hành khách nên cẩn thận hơn khi chạm vào thứ gì đó bẩn rồi để tay lên mặt", bác sĩ Milestone nói.
Giáo sư Hertzberg tại đại học Emory cũng cho biết thêm, nếu máy bay trang bị màn hình cảm ứng cho khách, bạn nên chạm vào màn hình qua một lớp khăn giấy. Điều này bảo đảm bạn có thêm một rào cản giữa bàn tay của bản thân và bề mặt có khả năng đã bám giọt dịch nhầy từ vị khách trước.
Hành khách nên sử dụng khăn giấy để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt kém an toàn trong dịch Covid-19. Ảnh: Vut/Shutterstock. |
"Một người nhiễm bệnh cũng có thể đã chạm vào cửa và vòi nước nhà vệ sinh. Vì vậy hãy dùng giấy lau tay hoặc giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh để mở cửa và đóng vòi nước rồi lập tức vứt chúng vào thùng rác", theo ông Bernard Camins, Giám đốc Y tế về phòng chống nhiễm trùng tại hệ thống y tế Mount Sinai ở New York cho biết.
Chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ
Một nghiên cứu từ Đại học Emory (bang Georgia) cho thấy trong mùa cúm, nơi an toàn nhất để ngồi trên máy bay là cạnh cửa sổ. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hành khách và thành viên phi hành đoàn trên 10 chuyến bay kéo dài 3 – 5 giờ và nhận thấy những người ngồi trên ghế cạnh cửa sổ ít tiếp xúc với những người có khả năng bị bệnh.
"Hãy đặt chỗ ngồi bên cửa sổ, cố gắng không di chuyển trong suốt chuyến bay", Vicki Stover Hertzberg, Giáo sư tại Đại học Emory đưa lời khuyên.
Kiều Dương (Theo The New York Times)
Nguồn: https://vnexpress.net/du-lich/cach-tu-khu-trung-cho-ngoi-tren-may-bay-4066209.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo