Cái chết bệnh nhân Covid-19 'ăn mòn' y bác sĩ
Trước khi đại dịch ập đến, Nester hiếm khi chứng kiến bệnh nhân ra đi. Giờ đây, cô chuyển người bệnh vào phòng hồi sức tích cực bởi triệu chứng khó thở. Những cái chết sau đó luôn in sâu vào tâm trí Nester, như bà lão 80 tuổi kia.
Một cặp vợ chồng đang điều trị tại phòng chăm sóc tích cực, cô con gái lớn mắc Covid-19 nằm tại khoa của Nester. Sau đó, cả ba người không qua khỏi.
Nester không thể diễn tả cảm xúc của mình.
Cô cố gắng che giấu nỗi sợ hãi, tập trung chăm sóc và an ủi những bệnh nhân Covid-19. Nhiều người trong số họ đã già, đôi khi bị lãng tai, khiến việc giao tiếp qua lớp khẩu trang gặp khó khăn.
Nester chia sẻ: "Cố gắng vượt qua rào cản và thể hiện bằng ánh mắt rằng, bạn đang ở đây, sẽ không rời bỏ, và chăm sóc họ. Nhưng sâu thẳm bên trong, bạn hoảng sợ vì nguy cơ nhiễm bệnh hoặc vô tình lây virus cho người thân của mình".
Nỗi đau chứng kiến các bệnh nhân liên tiếp ra đi khiến tâm trạng của nhiều y bác sĩ như đóng băng.
Làn sóng Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở New York, hồi tháng 4. Jane Kim, 39 tuổi, bác sĩ cấp cứu tại một bệnh viện khu Brooklyn, bị cuốn vào công việc điều trị những bệnh nhân nặng.
Chỉ sau vài tuần, 4 đồng nghiệp thân thiết của cô đã ra đi. Ba người chết bởi Covid-19, một người tự tử. Nỗi đau khiến Kim như bị đóng băng. "Không thể nghĩ. Không thể bước đi. Không thể thở nổi", cô nói.
Kể từ đó, cuộc sống tinh thần của Kim dựa vào bạn bè, gia đình và trị liệu tâm lý. Cô vui mừng khi các bác sĩ dần hiểu hơn về cách điều trị Covid-19 so với những ngày đầu. Nhưng khi các ca bệnh gia tăng trên toàn nước Mỹ trong tháng 11, Kim lo lắng các bác sĩ phải đối mặt với tình trạng quá tải. Kim nói: "Tôi sợ rằng chúng tôi chưa sẵn sàng trải qua thêm một lần nữa, cả về mặt cảm xúc, thể chất, và tinh thần. Tôi không thể".
Đại dịch Covid-19 suy yếu rồi bùng phát trở lại, gây tác động lớn đối với những người như Kim. Chỉ riêng tại Mỹ, hơn 218.000 nhân viên y tế nhiễm virus và ít nhất 800 người tử vong. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ước tính khoảng 12% nhân viên y tế Mỹ mắc Covid-19.
Tại Anh, hơn 40% bác sĩ đang gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, con số từ cuộc khảo sát của Hiệp hội Y khoa, hồi tháng 10.
Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố nghiên cứu về tác động của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần, nhấn mạnh nhân viên chăm sóc sức khỏe là những người dễ bị tổn thương. Các nghiên cứu về đội ngũ y tế ở Trung Quốc, Canada và Italy đã điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cho thấy, tỷ lệ lo lắng, trầm cảm và mất ngủ tăng vọt.
Quá nhiều bác sĩ kiệt sức có thể dẫn đến thiếu sót khi chăm sóc bệnh nhân và không phát huy lợi ích từ phác đồ điều trị mới. Tiến sĩ Patrick Pavwoski, một nhà thần kinh học 37 tuổi tại bệnh viện Mercy Health ở Muskegon, Michigan, kiệt sức và biết mình cần nghỉ ngơi, nhưng vẫn cố gắng bởi một số đồng nghiệp đã mắc hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19. Pavwoski kể rằng: "Tôi đã rất mệt mỏi, ngủ thiếp trong phòng và không nghe thấy tiếng bệnh nhân nói".
Giống như các nhân viên chăm sóc sức khỏe khác, Pavwoski chán nản vì nhiều người không cố gắng, chung tay ngăn virus lây lan. Anh thấy buồn mỗi khi nhìn những bức ảnh bạn bè tụ tập mà không đeo khẩu trang, hay mỗi khi nghe thấy mọi người lên kế hoạch cho bữa tối vào Ngày Lễ Tạ ơn trong khi những người hàng xóm đang trong viện điều trị Covid-19.
Các nhân viên y tá cũng đang chịu căng thẳng, hoảng sợ khi chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại. Các nhà nghiên cứu lo ngại y tá làm việc trong khủng hoảng có thể dẫn đến những phản ứng tâm lý tổn thương đạo đức. Đó là cảm giác bất lực khi không thể chăm sóc bệnh nhân hết lòng như mong muốn của người bệnh. Số lượng người nhập viện quá đông, trong khi nhân lực y tá chỉ có hạn, khiến thời gian chăm sóc và năng lực hỗ trợ điều trị bị ảnh hưởng.
Cynda Rushton, một y tá và nhà đạo đức sinh học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, cho rằng y tá là người dành thời gian cho bệnh nhân nhiều nhất, và những người bệnh mắc nCoV thường vô cùng sợ hãi và đơn độc.
Rushton nói:" Y tá trở thành nguồn động viên, chăm sóc, an ủi bệnh nhân khi người thân không thể ở bên cạnh người bệnh. Y tá phải chứng kiến những nỗi đau khổ và chết chóc chồng chất. Điều đó thực sự đè nặng lên họ".
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí General Hospital Psychiatry vào tháng 9, tại một bệnh ở New York có 64% y tá kiệt sức cấp tính, 53% có dấu hiệu trầm cảm, và 40% lo âu. Các tình trạng ở y tá phổ biến hơn so với bác sĩ.
Tiến sĩ Wendy Dean, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc sức khỏe Moral Injury of Health có trụ sở tại Carlisle, Pennsylvania, cho rằng: "Có lẽ nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kiệt sức là tổn thương đạo đức ngoài ý muốn".
Dean cho biết vào mùa hè, khi các ca bệnh giảm, y tá được chăm sóc sức khỏe tâm thần. "Nhưng nó chưa đủ, quá trình có thể sẽ mất vài năm, bởi đại dịch chưa kết thúc", Dean nói.
Nguyễn Ngọc (Theo Time, People)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo